Thị trường bán hàng đa cấp: Phải siết chặt quản lý (10:43 12/10/2017)


HNP - Bán sản phẩm hàng hóa theo hình thức kinh doanh truyền miệng và được thực hiện bởi hệ thống nhiều cấp, nhiều nhánh, số lượng người tham gia lớn. Trong khi người dân thiếu thông tin nên đã mua phải hàng kém chất lượng, còn cơ quan quản lý liên tục phát hiện vi phạm... Vấn đề đặt ra, phải siết chặt quản lý, xử lý nghiêm hành vi phạm bán hàng đa cấp để trục lợi.

Nhiều hệ lụy cho xã hội    

Đến nay, cả nước có 36 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động, trong đó, tại địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp với khoảng 68.000 người tham gia. Các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp.

Hoạt động bán hàng đa cấp diễn biến khá phức tạp. Đây là hoạt động kinh doanh truyền miệng, rất khó kiểm soát về mặt thông tin, được thực hiện bởi hệ thống người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh và số lượng người tham gia lớn. Vì vậy, khi xảy ra việc lừa đảo trên mô hình bán hàng đa cấp thì sẽ liên quan đến nhiều người và giá trị lừa đảo cũng rất cao, gây ra hậu quả lớn.

Các hình thức vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đa dạng, tinh vi; doanh nghiệp, người tham gia tư vấn sai, mập mờ, không rõ ràng để người dân hiểu sai bản chất và tự nguyện thực hiện hoặc tư vấn cho chính người thân quen của mình, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng dưới nhiều dạng kinh doanh đẩy nhiều người dân, nạn nhân vào chỗ điêu đứng, từ hoạt động kinh doanh bất động sản, hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư, tiền ảo qua mạng... đều núp bóng hình thức đa cấp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố đã chủ động thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp, người tham gia, người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Tính riêng từ năm 2016 đến 9/2017, có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, 14 doanh nghiệp xin chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động. Do đó, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên cả nước và tại địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Đặc biệt, người dân cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động hoạt động bán hàng đa cấp nên số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm rõ rệt.

Tăng cường phối hợp xử lý vi phạm

Dù cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, việc xử lý bán hàng đa cấp còn nhiều khó khăn. Bởi, một số quy định tại các văn bản có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp còn chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, không phù hợp thực tế nên khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương. Chẳng hạn như, chưa có quy định về kiểm soát giá của sản phẩm bán hàng đa cấp nên các doanh nghiệp bán giá cao gấp hàng trăm lần so với giá mua vào gây thiệt hại cho người dân. Mức xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp thấp, không đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp.

Sự biến tướng, dẫn đến lừa đảo trong hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp như tham gia bán hàng nhưng không có hàng, nấp dưới danh nghĩa bán hàng hóa theo phương thức đa cấp để huy động tài chính; thu tiền người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp thông qua hình thức tuyển dụng; kinh doanh tiền ảo dựa trên phương thức bán hàng đa cấp; doanh nghiệp bán hàng đa cấp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký nhưng không khai báo với cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan cũng là nguyên nhân khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, nhiều người tham gia bán hàng đa cấp là các cá nhân có địa chỉ ghi trên chứng minh thư tại một địa phương, nhưng hoạt động kinh doanh tại một địa phương khác, do đó, khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát tại địa phương. Các công ty chưa được cấp Giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn đi giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia hoạt động bán hàng đa cấp để thu lợi bất chính sau đó bỏ trốn, thoái thác trách nhiệm, bỏ mặc người dân.

Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người dân đối với các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp còn hạn chế, người dân không chủ động tìm hiểu các quy định đối với hoạt động bán hàng đa cấp nên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm các quy định đối với hoạt động bán hàng đa cấp, lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để trục lợi, lừa đảo.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp tuyên truyền sai về sản phẩm, lợi ích khi tham gia bán hàng đa cấp hoặc lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để huy động tài chính..., đã gây thiệt hại lớn cho người dân... Vì vậy, để kiểm soát hoàn toàn hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các sở, ngành, quận, huyện và người dân trên địa bàn TP Hà Nội.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t