Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông ở một số huyện ngoại thành (10:18 11/10/2017)


HNP - Trong những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình chăn nuôi trên địa bàn một số huyện ngoại thành. Các mô hình được đầu tư hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, giống, thức ăn chăn nuôi... đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, phát triển kinh tế và từng bước thoát nghèo.

Mô hình nuôi dê tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức


Để hỗ trợ cho bà con nhân dân một số xã thuộc các huyện xa trung tâm của thành phố Hà Nội thoát nghèo, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2017-2018 tại 3 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất với mục tiêu giúp các hộ nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, tiến tới giảm nghèo bền vững và góp phần hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã miền núi.  
 
Ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với 3 huyện trên tiến hành rà soát, đánh giá các hộ nghèo đủ điều kiện. Tham gia mô hình, các hộ nghèo sẽ được nhận được bò sinh sản miễn phí để chăn nuôi. Đây không chỉ là niềm động viên, khích lệ lớn, mà còn là động lực thoát nghèo của rất nhiều hộ gia đình khó khăn.
 
Như gia đình chị Đinh Thị Anh, ở thôn 6 xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Vốn là một hộ nghèo của xã Ba Trại, cả gia đình có 6 thành viên với 2 ông bà già yếu, 2 con đang tuổi ăn học chưa thể phụ giúp gia đình, chồng chị là anh Nguyễn Văn Du thì mắc bệnh nan y, mắt kém, sức khỏe yếu không có khả năng lao động. Mọi lo toan trong gia đình đều dồn lên đôi vai chị Đinh Thị Anh với nguồn thu nhập chính dựa vào thu nhập từ cây chè và làm ruộng khiến hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Việc hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đối với gia đình chị là cơ sở quan trọng để gia đình chị phát triển chăn nuôi thoát nghèo.
 
Theo kế hoạch của Trung tâm khuyến nông, cả xã Ba Trại sẽ có 30 hộ nghèo thuộc 9 thôn được nhận mỗi hộ 1 con bò sinh sản từ 10-12 tháng tuổi, nặng trung bình 180kg. Với sự hỗ trợ của các cơ quan thành phố, sẽ giúp xã Ba Trại giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 5,1% xuống còn 2%, theo chuẩn hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tương tự, tại huyện Thạch Thất, hiện nay, huyện còn hơn 1.800 hộ nghèo, trong thời gian qua, đã có 418 hộ có nhu cầu được hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất. Huyện Thạch Thất phấn đấu đến hết năm 2017, giảm thêm 300 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,9%. 
 
Để bảo đảm hiệu quả của mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản”, bên cạnh việc được nhận bò miễn phí, 90 hộ nghèo thuộc các xã miền núi của 3 huyện còn được trạm khuyến nông cơ sở tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Đến nay, các hộ đã nắm bắt được một số kỹ thuật cơ bản trong chăn nuôi, cũng như nhận biết được dấu hiệu khi bò mắc bệnh để chăm sóc đàn bò phát triển tốt, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Theo đánh giá chung, mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” tại các xã miền núi của 3 huyện gồm Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là sự cụ thể hóa mục tiêu hỗ trợ đồng bào tiến tới thoát nghèo bền vững. Sự hỗ trợ thiết thực này sẽ tạo nên đòn bẩy cần thiết, giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo. 
 
Ngoài mô hình nuôi bò sinh sản, từ năm 2010, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình chăn nuôi dê tại một số xã miền núi, giáp tỉnh Hoà Bình của huyện Mỹ Đức. Từ thành công của mô hình này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đánh giá tổng kết và tổ chức chọn điểm, chọn hộ để mở rộng mô hình tại 3 xã miền núi của 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai. Đây là điều kiện để bà con dân tộc miền núi tiếp cận mô hình chăn nuôi mới, tăng thu nhập cho các hộ dân. 
 
Nhờ mô hình “Nuôi dê sinh sản” nên hiện nay, toàn thành phố có khoảng hơn 8.000 con dê, từng bước tạo ra sản phẩm thịt dê chất lượng phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Theo lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Hà Nội, các mô hình này nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tại một số xã thuộc vùng miền núi của các huyện, đồng thời mở ra hướng sản xuất chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi nông hộ của địa phương, vừa nâng cao giá trị sản xuất vừa góp phần thay đổi dần tập quán canh tác của người dân, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con các xã miền núi.
 
Thành công của các mô hình sẽ góp phần giúp cho chính quyền địa phương lựa chọn và nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, qua đó từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, đồng thời thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Việc triển khai các mô hình khuyến nông tại nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đều được nông dân hưởng ứng tích cực, bởi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình khuyến nông đã và đang giúp nông dân ngoại thành Hà Nội ứng dụng phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, quy mô triển khai các chương trình hiện còn nhỏ, trong khi nhu cầu người dân vẫn còn rất lớn. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng nhiều mô hình điểm, đồng thời tăng quy mô, diện tích để tiếp cận với cách làm hay, những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t