Hà Nội: Phòng, chống dịch bệnh tại địa phương với phương châm “4 tại chỗ” (21:05 15/04/2024)


HNP - Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã.  

Quang cảnh Hội nghị


Theo báo cáo của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh, từ đầu năm nổi lên một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, ho gà, tay chân miệng… Đối với sốt xuất huyết, tính đến ngày 12/4, toàn Thành phố ghi nhận 570 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó các quận, huyện có nhiều ca mắc là Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm. Số ổ dịch phát sinh trong năm 2024 là 5 ổ dịch, hiện tại tất cả đã kết thúc. Các ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu ghi nhận trong tháng 01. Đây là giai đoạn cuối của chu kỳ dịch năm 2023. 
 
Từ tháng 3 đến nay, số ca mắc ghi nhận ở mức thấp (dưới 20 ca mắc/tuần), không phát sinh ổ dịch mới, ổ dịch phức tạp. Tuy nhiên, cần lưu ý chu kỳ dịch hàng năm sẽ gia tăng khi bắt đầu vào mùa hè.
 
Qua kết quả giám sát cho thấy từ tuần 10/2024, chỉ số BI trên ngưỡng nguy cơ tăng cao hơn so với các tuần trước đó. Kết quả này cho thấy biến động quần thể muỗi có xu hướng tăng do nhiệt độ môi trường đang thích hợp cho sự phát triển của muỗi. Kết quả giám sát vệ sinh môi trường, giám sát ổ dịch cũ và điểm nguy cơ đã ghi nhận các loại dụng cụ chứa nước có bọ gậy đa dạng, nhiều chủng loại kích cỡ khác nhau, bên cạnh đó có nhiều hộ gia đình không hợp tác thực hiện các biện pháp loại bỏ ổ bọ gậy theo hướng dẫn của nhân viên y tế và không cho cộng tác viên trực tiếp xử lý.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương báo cáo tại Hội nghị
 
Đối với bệnh tay chân miệng, đến nay ghi nhận 585 ca mắc, tăng 63% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tuần từ 5-12/4 đã ghi nhận 161 ca, tăng 37 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 28 quận, huyện. Số ổ dịch bệnh phát sinh trong năm 2024 là 9 ổ, hiện tại còn 5 ổ dịch đang hoạt động. Trong năm 2024, cũng đã ghi nhận các ổ dịch, chùm ca bệnh phát sinh trong trường học. 
 
Theo quy luật hàng năm, tháng 4-5 là cao điểm bệnh tay chân miệng, nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận sự gia tăng về số ca mắc và số ổ dịch, chùm ca bệnh. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các đơn vị y tế và các trường để thực hiện phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện và điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng theo đúng quy định đặc biệt là các ổ dịch trong trường học, không để tình hình dịch bệnh diễn biến lan rộng, kéo dài.
 
Đối với dịch bệnh ho gà, trong năm 2024 đã ghi nhận 46 ca mắc, phần lớn ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Nhận định trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận rải rác ca bệnh ho gà, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc trẻ chưa được tiêm.
 
Một số bệnh truyền nhiễm khác như: Thủy đậu, liên cầu lợn, uốn ván… đều có số ca mắc tương đương hoặc giảm hơn so với cùng kỳ năm 2023.
 
Ngay từ đầu năm, Thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024 trong đó quán triệt chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương với phương châm “4 tại chỗ”. Trước tình hình bệnh dại trong cả nước đang có diễn biến phức tạp, đồng thời trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 2 ổ dịch dại trên chó tại Sóc Sơn. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động ban hành kế hoạch liên ngành về việc phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các quận, huyện đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh với nhiều giải pháp.
 
Quận Hoàn Kiếm ghi nhận có 10 ca sốt xuất huyết, cúm A có 16 trường hợp, thủy đậu có 20 trường hợp… Hiện nay, quận đã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024, duy trì đội phản ứng nhanh 24/7, xử lý các thông tin về dịch bệnh. Trong thời gian tới, quận đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát tại cộng đồng.
 
Huyện Thanh Oai, trên địa bàn ghi nhận 28 ca sốt xuất huyết, 29 ca mắc chân tay miệng, 13 ca mắc thủy đậu. Thanh Oai đã huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh, nên từ đầu năm, tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định.
 
Trong 3 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã triển khai 17 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Trong quý I đã triển khai tiêm bù cho các đối tượng chưa tiêm đủ vắc xin trong chương trình mở rộng năm 2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp cho Hà Nội cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng. CDC Hà Nội triển khai giám sát dịch bệnh tại 44 trường học, thuộc 13 quận, huyện.
 
Sở Y tế đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường hơn nữa phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác; nghiên cứu cập nhật, bổ sung kế hoạch/đề án phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế. Đảm bảo sẵn sàng thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch bệnh đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh trên địa bàn theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. 
 
Các địa phương và các cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết theo đúng quy định, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài. Tập trung kiểm tra giám sát tại các xã, phường có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi triệt để cao. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, các dịch bệnh mùa hè… 
 
Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xem xét đưa nội dung hoàn thành chỉ tiêu phòng, chống dịch bệnh vào đánh giá nhiệm vụ hàng tháng, hàng năm của các đơn vị.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà kết luận Hội nghị
 
Kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh, tập trung 2 nhóm công việc. Đối với công tác phòng chống dịch, đây là nhiệm vụ trọng tâm của quý II và III. Cần kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố. Sở Y tế khẩn trương, rà soát, phối hợp các sở, ngành điều chỉnh thành viên, rà soát các nội dung, phân công địa bàn, điều chỉnh lại phân công công việc, chậm nhất trong tháng 4 phải ban hành.
 
Đối với công tác truyền thông, tổ chức đa dạng hình thức, nội dung, người dân nhận thức đầy đủ về tình hình diễn biến, nguy hiểm của dịch. Về nội dung truyền thông Sở Y tế chủ trì, thay đổi nội dung truyền thông, tập trung các video; Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các hình thức truyền thông, sử dụng các nền tảng, bằng các hình thức cảnh báo để người dân phòng bệnh, nội dung tác động mạnh đến các đối tượng, phân các đối tượng để truyền thông.
 
Liên quan đến việc tổng vệ sinh môi trường, yêu cầu các địa phương ít nhất trong tháng 4 cần có chiến dịch tổng vệ sinh môi trường. Những địa bàn có nguy cơ cao, lặp đi lặp lại, cần có tần suất nhiều hơn. Riêng bệnh tay chân miệng, đề nghị Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, tuyên truyền, hướng dẫn, phát video cho cô và các cháu cùng xem. Những cơ sở giáo dục không thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch, có thể xem xét, xử lý kỷ luật hiệu trưởng.
 
“Các địa phương cần thực hiện nghiêm, đảm bảo phương châm 4 tại chỗ, các lực lượng xung kích, giám sát cần đảm bảo trách nhiệm… Các địa phương không chủ quan, làm tốt công tác phòng chống dịch thì khi dịch bệnh xảy ra chúng ta sẽ thực hiện được tốt hơn”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t