Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố làm việc với Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP trước Kỳ họp thứ Ba (21:01 16/05/2017)


HNP - Chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội dự, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố; Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố.  

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị


Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tình hình kinh tế - xã hội thủ đô 3 tháng đầu năm 2017; kiến nghị của UBND TP, ngành toà án, kiểm sát, cử tri với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương...
 
Ba tháng đầu năm, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,06% (quý I năm 2016 tâng 6,95%), trong đó, dịch vụ tăng 7,26%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,99%, nông nghiệp tăng 0,54%, thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,93%. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,385 triệu USD, tăng 2,1 % so với quý I năm 2016. 
 
Trong lĩnh vực du lịch, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 6,13 triệu lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế 1,27 triệu lượt, tăng 10% (khách có lưu trú 0,93 triệu lượt, tăng 9,4%); Khách nội địa 4,86 triệu lượt, tăng 6%. Tổng doanh thu du lịch đạt 18,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9%. Thành phố đã thực hiện tốt liên kết, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, ổn định giá cả thị trường. Tuy nhiên, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng thấp hơn so với cùng kỳ, nhiều sản phẩm giảm sản lượng, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp.
 
Tại hội nghị, đại diện UBND Thành phố đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố để đề nghị Quốc hội xem xét, giải quyết một số nội dung: đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Thủ đô về phát triển nhà ở xã hội; tăng mức phạt cao hơn đối với vi phạm lĩnh vực quảng cáo...
 
Về Luật Đầu tư công, Thành phố đề nghị Quốc hội xem xét phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A vốn ngân sách Thành phố; phân cấp, ủy quyền cho UBND Thành phố phê duyệt các dự án ODA đang triển khai tại Hà Nội sau khi được Thủ tướng chấp thuận tăng hạn mức vốn vay ODA cho dự án. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đề nghị được phân cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng trở lên phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt….
 
Cũng tại hội nghị, các ĐBQH thành phố Hà Nội nêu hiện tượng ùn tắc giao thông; ô nhiễm nguồn nước, môi trường; lấn chiếm hè đường để kinh doanh lại tái diễn và đề nghị thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải biểu dương tinh thần trách nhiệm của Thường trực UBND Thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, ĐBQH trong việc chuẩn bị chu đáo các kiến nghị. Đồng thời, khẳng định, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp, tiếp nhận đầy đủ, phân loại từng nội dung, chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. 
 
Đồng tình với ý kiến của các ĐBQH về vấn đề lấn chiếm không gian chung (lòng đường, vỉa hè) đang có dấu hiệu tái diễn ở một số nơi, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Thành ủy đã lập đoàn giám sát việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch 01/KH-BCĐ197 ngày 3/3/2017 của Ban Chỉ đạo 197 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện…Nếu nơi nào để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm với mức phạt tương xứng.
 
Về hiện tượng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, nhằm góp phần làm “sống lại” những dòng sông bị bồi lắng, ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô, những năm qua, nhiều dự án nạo vét, cải tạo đã được triển khai. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên tiến độ thực hiện chưa như mong muốn. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng cải tạo và làm “sống lại” con sông, ưu tiên những dự án cấp bách.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t