Tập trung cao độ để hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (13:21 17/08/2023)


HNP - Sáng 17/8, tại Trụ sở UBND tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chủ trì họp Ban Chỉ đạo nghe báo cáo tình hình triển khai Dự án, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư.

Quang cảnh Hội nghị


Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng đại diện các Bộ, ngành; lãnh đạo sở, ngành 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
 
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường báo cáo tình hình triển khai Dự án
 
Báo cáo tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đồng chí Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết: Về cơ bản, công tác GPMB đã được thực hiện bám sát tiến độ. Đến nay, 3 tỉnh, thành phố đã thu hồi 1.194,71/1.382,38ha (86,42%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41,35%).Tuy nhiên, công tác GPMB đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư.
 
Thành phố Hà Nội đã giải ngân trên kế hoạch vốn được giao: 5.148,604/ 6.754,84 tỷ đồng, đạt 76,22%; Tỉnh Hưng Yên: đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân: 742,98 tỷ đồng, đạt 40%; Tỉnh Bắc Ninh: đền bù, hỗ trợ GPMB là 988,19/1.370 tỷ đồng, đạt 72,13%.

Về tiến độ, sẽ tập trung thực hiện công tác GPMB đối với các phần diện tích còn lại, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2023. Triển khai đồng loạt thi công trên toàn tuyến, phấn đấu thông xe Dự án tháng 12/2025, đưa vào khai thác năm 2026.
 
Tuy nhiên, hiện tại, các địa phương mới hoàn thành GPMB chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Đối với phạm vi đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức…chưa được hoàn thành để bàn giao; công tác xây dựng các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành. Trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố, vẫn còn 9.929 ngôi mộ chí chưa được di chuyển, đề nghị các địa phương đảm bảo hoàn thành di chuyển trong năm 2023. 
 
Đối với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh rà soát, kiểm tra và chủ động có văn bản gửi UBND các tỉnh lân cận có mỏ vật liệu chấp thuận danh mục các mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng là các mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và chỉ phục vụ Dự án, làm cơ sở áp dụng cơ chế đặc thù.
 
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết đây là dự án độc lập GPMB đầu tiên của Tỉnh nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ trong vòng 23 ngày, công tác GPMB trên địa bàn đã đúng mức và vượt mức đề ra, đến nay đạt 83,5%. Hiện nay, Tỉnh đang cơ bản hoàn thành khu tái dịnh cư, phấn đấu đến 30/10, sẽ hoàn thành xây dựng Khu tái định cư, khu nghĩa trang, trên tinh thần có điểm tiếp nhận đến đâu sẽ di dời mộ đến đấy để đảm bảo tiến độ đề ra.
 
Phản ánh khó khăn, vướng mắc, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hiện có 17 doanh nghiệp có Dự án Vành đai 4 đi qua, do đó, Tỉnh gặp khó khăn trong định giá tài sản vì chưa có quy định. Để giải quyết, Tỉnh sẽ mời tư vấn; bố trí địa điểm khác để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Liên quan đến nội dung này, đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo  cơ quan có thẩm quyền cho phép Tỉnh áp dụng Điều 62 của Luật Đất đai, thu hồi đất của hộ gia đình sau đó giao đất, cho thuê đất lại đối với các doanh nghiệp di dời để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Về cơ bản, Tỉnh không có mỏ vật liệu, vì vậy, đồng chí đề xuất tạo điều kiện cho Tỉnh tiếp cận với 2 mỏ cát để sớm thỏa thuận về nguồn cung vật liệu. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, Tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đảm bảo tiến độ thi công. Đến nay, đã phê duyệt phương án và thu hồi đất 307,88/369,08 ha, đạt 83,42%. 
 
Về khó khăn, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị tổng mức đầu tư thực tế dự kiến khoảng 5.354 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 2.874 tỷ đồng) do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường. Thứ hai, qua hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu, trữ lượng các mỏ vật liệu cung cấp cho Dự án cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, các mỏ có thể khai thác và sử dụng ngay thì có cự ly vận chuyển xa; các mỏ có cự ly vận chuyển gần hơn thì hiện nay mới có trong quy hoạch, chưa được cấp phép khai thác.
 
Do đó, đồng chí Nguyễn Hương Giang đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giá trị tổng mức đầu tư thực tế làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của Dự án; Đề nghị Ban Chỉ đạo Dự án sớm làm việc cụ thể với các địa phương có mỏ vật liệu để chấp thuận danh sách các mỏ vật liệu, cam kết cung cấp đủ khối lượng vật liệu cho Dự án, đồng thời nâng công suất, cấp phép mỏ vật liệu có trong quy hoạch hoặc mỏ vật liệu mới (nếu cần). 
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phản ánh hiện giá vật liệu xây dựng thực tế cao hơn giá được phê duyệt gây khó khăn cho các nhà thầu, do vậy, đồng chí kiến nghị các cấp thẩm quyền ban hành giá tiệm cận với thị trường. Đồng thời, có cơ chế đặc thù về chỉ định khai thác các điểm mỏ đề xuất và nghiêm túc thực hiện việc khai thác, sử dụng các mỏ vật liệu chỉ phục vụ cho Dự án đường Vành đai 4.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án phát biểu kết luận Hội nghị
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh đây là Dự án trọng điểm Quốc gia, đi qua 3 địa phương, quy mô chia làm 3 tiểu dự án thành phần, nhưng cũng là các dự án lớn nhất của các địa phương.

Đồng chí biểu dương, đánh giá cao các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo triển khai bài bản, thực hiện quyết liệt và có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội. Do đó, đã đạt được một số kết quả tương đối tốt trong công tác GPMB. Cả 3 tỉnh, thành phố đều thể hiện quyết tâm cuối năm sẽ bàn giao xong mặt bằng cho Dự án.
 
Thời gian tới, đề nghị tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kết, cơ sở dự toán để xây dựng dự án thành phần 2.2, 2.3 để lựa chọn nhà thầu, khởi công vào cuối tháng 9.
 
Cùng với đó, tập trung cao độ vào công tác GPMB các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân, trong đó, đồng chí lưu ý phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho người dân với tinh thần “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đồng thời, tập trung hoàn thành công tác di chuyển mồ mả vào dịp cuối năm; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn như đường điện lớn và phấn đấu hoàn thành GPMB bảo đảm 100% vào cuối tháng 12 theo Nghị quyết của Chính phủ.
 
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị rà soát lại các mỏ vật liệu và cần phải xác định rõ về nhận thức là vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 4. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục để tránh thất thoát, lãng phí, không để xảy ra tiêu cực. 
 
“Đề nghị các địa phương tập trung cao độ để hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; phối hợp tốt hơn nữa, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ Dự án”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t