Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội (21:28 15/04/2024)


HNP - Chiều 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” trên địa bàn Thành phố. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi làm việc. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi làm việc


Tiếp Đoàn giám sát, về phía lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn; đại diện một số sở, ngành, quận, huyện.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường khẳng định, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc và là tiền đề để phát triển đô thị cũng như phục vụ nhu cầu sinh sống đi lại của nhân dân Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xứng đáng là hạt nhân trung tâm của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. 
 
Quang cảnh buổi làm việc
 
Trong giai đoạn 2009 đến 2023, sau nhiều năm nỗ lực, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương sau khi hợp nhất đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của lĩnh vực giao thông vận tải. 
 
Hiện cả 07/07 tuyến đường cao tốc hướng tâm (111,32km), 08/08 tuyến Quốc lộ hướng tâm (244,58km) đã được đầu tư hình thành, đưa vào khai thác sử dụng. 07 tuyến đường Vành đai đã và đang được đầu tư (hoàn thành 132,26/285,46km); đặc biệt Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6/2023; 04 trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư. Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 04 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên. 
 
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội 
 
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối nội vùng, liên vùng đang được tập trung triển khai như: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6; Đường nối Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; Cải tạo nâng cấp Quốc Lộ 21; Xây dựng tuyến đường trục phía Nam; Đường Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình... 9/18 cầu vượt sông Hồng đã hình thành, 6 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường. Thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao trong năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại. 
 
Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tình hình tai nạn giao thông giảm dần trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực, tình hình ùn tắc giao thông được cải thiện góp phần giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế - xã hội. 
 
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp và làm việc với Đoàn giám sát
 
“Có thể nói, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung vào sự phát triển của thành phố Hà Nội”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
 
Tại buổi làm việc, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng ô tô kinh doanh vận tải hành khách dừng, đỗ tại văn phòng đại diện để bốc xếp, hàng hóa; đơn vị có xe hoạt động tái vi phạm nhiều lần các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải... Nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, tăng thu ngân sách nhà nước.
 
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà trao đổi tại buổi làm việc
 
Thảo luận tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đánh giá thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng, hệ thống giao thông thông minh..., các giải pháp về phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tình hình tai nạn giao thông giảm dần cả 3 tiêu chí, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. 
 
Đối với đường sắt đô thị, đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, Thành phố sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị. 
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm
 
Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Đồng thời thành phố cũng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến 2025-2026 lên khoảng 30%.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng đề nghị các cấp, các ngành, lực lượng chức năng của Thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trên cả đường bộ và đường thủy; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành các chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
 
Thành phố hiện có 6 bến xe (Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây), với mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối 41 tỉnh, thành phố. 
 
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố hiện nay gồm 156 tuyến, trong đó: 133 tuyến buýt trợ giá, 08 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 03 tuyến City tour; tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, kết nối với 6 tỉnh thành lân cận. 
 
Về vận tải hành khách bằng xe taxi, trên địa bàn Thành phố hiện nay có 15.430 phương tiện được cấp phù hiệu thuộc quản lý của 62 đơn vị, chưa kể đến một số lượng lớn phương tiện xe taxi ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn Thành phố. Hiện nay đang tổ chức thí điểm 06 điểm dừng, đỗ đón trả khách cho xe taxi tại 02 phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. 
 
Đối với vận tải hành khách bằng hợp đồng, du lịch, Thành phố hiện quản lý 36.726 xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (tính đến ngày 24/11/2023), trong đó có 18.459 xe ôtô trọng tải dưới 9 chỗ. 
 
Từ năm 2009 đến hết năm 2023, Thành phố đã tổ chức 24.220 kỳ sát hạch; cấp mới 3.094.946 giấy phép lái xe, cấp đổi 1.152.207 giấy phép lái xe. Trong giai đoạn này, các lực lượng Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gần 9 triệu trường hợp, phạt tiền hơn 3.836 nghìn tỷ đồng.
 
Đến năm 2023 số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô giảm xuống còn 33 điểm; có 5 điểm đen về tai nạn giao thông hiện đang tập trung xử lý trong năm 2024. Sở Giao thông vận tải cũng rà soát 234 vị trí có mật độ phương tiện giao thông lớn cần bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng; 154 vị trí khu vực trường học để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; 193 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để xử lý, khắc phục.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t