Tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô (22:01 13/05/2024)


HNP - Chiều 13/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Quang cảnh Hội nghị


Dự Hội nghị, về phía lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam có đồng chí Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
 
Về phía Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Bùi Huyền Mai, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân; Trần Thị Nhị Hà, Phó Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029; Nguyễn Anh Trí, Bệnh viện Medlatec.
 
Về phía LĐLĐ thành phố Hà Nội có các đồng chí: Phạm Quang Thanh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Thanh, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, Hội nghị tiếp xúc cử tri ngày hôm nay diễn ra, với mục đích nhằm tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội Thành phố tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là đoàn viên, công nhân lao động về việc làm, thu nhập, đời sống. Đồng thời, đây cũng là dịp để đại biểu Quốc hội Thành phố tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế. 
 
Đồng chí Phạm Quang Thanh, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Đây cũng là một hoạt động trọng tâm của chuỗi các hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2024 của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội. "Thông qua hội nghị, khắng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức công đoàn đối với công nhân, lao động; góp phần tăng cường dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, công nhân, lao động trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
 
Theo đó, Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ tập trung vào các nội dung: Thứ nhất, phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). Thứ hai, các ý kiến đề xuất, kiến nghị, phản ánh của đoàn viên, người lao động về vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống, các chế độ chính sách về Lao động, Bảo hiểm xã hội; về tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
 
“Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri, Hội nghị sẽ được lắng nghe ý kiến tiếp thu và giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết và ý kiến tiếp thu, giải trình của đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nêu rõ.
 
"Hà Nội có trên 270 nghìn doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc; với tổng số 9.208 công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên công đoàn.
 
Năm 2023, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố vẫn giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn.
 
Về tiền lương, tiền thưởng, với tinh thần nỗ lực vượt khó, tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2023 bằng so với năm 2022. Riêng quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất...", Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Quang Thanh cho biết.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t