Đối thoại "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động" (17:03 24/04/2024)


HNP - Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động".

Các chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến


Để cung cấp những kiến thức mới liên quan đến chế độ, chính sách và pháp luật lao động; đồng thời giải đáp những điều đang còn băn khoăn, vướng mắc cho đoàn viên, người lao động và bạn đọc, Ban Tổ chức đã mời đến buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách, bảo hiểm xã hội gồm: TS. Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa Bảo hộ lao động (Trường Đại học Công đoàn); Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Luật sư Đăng Văn Thành - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
 
Phát biểu tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Đan Phượng là một trong 5 huyện của Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí để trở thành quận vào năm 2025. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đang ngày càng được đẩy mạnh cả về quy mô và tốc độ, tạo nên sự đa dạng và tác động không nhỏ đến các quan hệ lao động nói chung.
 
Trong khi đó, cùng với sự phát triển chung của Thủ đô, đất nước; cơ quan chức năng thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc cập nhật, trang bị kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động chính là một trong những cách bảo vệ tốt nhất quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Có nắm rõ pháp luật thì người lao động mới có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và người sử dụng lao động không vi phạm pháp luật, không xâm hại các quyền lợi hợp pháp của người lao động, từ đó tạo môi trường hoạt động ổn định, phát triển doanh nghiệp.
 
"Với chủ đề “Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động”, buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến sẽ tập trung phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật, đặc biệt là những chính sách mới có ảnh hưởng đến lợi ích thiết thân của người lao động như các vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, y tế, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, các vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động… Tôi mong muốn rằng đoàn viên, người lao động mạnh dạn chia sẻ các vấn đề, băn khoăn của mình, đặt các câu hỏi. Các chuyên gia của chương trình sẽ trực tiếp giải đáp, tư vấn, hỗ trợ”, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh.
 
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia
 
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đề nghị, sau chương trình, Báo Lao động Thủ đô cùng LĐLĐ huyện Đan Phượng nói riêng và các cấp Công đoàn Thủ đô nói chung tiếp tục có các giải pháp sáng tạo, mô hình hiệu quả để triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà người lao động quan tâm đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ. Thông qua đó, góp phần thực hiện tốt chức năng của tổ chức Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
 
Tại chương trình, các chuyên gia đã cung cấp những kiến thức mới liên quan đến chế độ, chính sách và pháp luật lao động; đồng thời giải đáp những điều đang còn băn khoăn, vướng mắc cho đoàn viên, người lao động. Từ đó, giúp người lao động chủ động giải quyết các vấn đề xảy ra trong lao động, kịp thời ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức...
 
Về câu hỏi người lao động đã đóng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục nhưng không may mắc bệnh hiểm nghèo, chữa bệnh đúng tuyến, có được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh và các bồi dưỡng bằng hiện vật không, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, với người đã có thời gian 5 năm đóng bảo hiểm y tế liên tục, trong một năm đã chi quá 6 lần tháng lương cơ sở thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến do bảo hiểm y tế chi trả.
 
Về nguyên tắc bồi dưỡng bằng hiện vật, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi nêu, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng. Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
 
Chị Thế Thị Ninh, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Tân Lập A đặt câu hỏi
 
Bà Lan Chi cho biết thêm, trong trường hợp này, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau: Mức 1: 13.000 đồng, mức 2: 20.000 đồng, mức 3: 26.000 đồng, mức 4: 32.000 đồng. Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng.
 
Ngoài ra, quy định hiện hành khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
 
Như vậy, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể cũng như bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
 
Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh và Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thuỷ tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu
 
Phát biểu bế mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng nhấn mạnh, sau một buổi sáng làm việc hiệu quả, người lao động trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với chính sách, pháp luật một cách trực tiếp và đầy đủ từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đây cũng là cơ hội để đoàn viên, người lao động có thể tiếp thu kiến thức, áp dụng vào quá trình làm việc, từ đó có thể đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình, nhất là trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng cũng bày tỏ mong muốn trong thời Báo Lao động Thủ đô, các chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành với đoàn viên, người lao động huyện Đan Phượng về hoạt động truyền thông chính sách.

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t