Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần phải có cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát triển (22:35 15/04/2024)


HNP - Chiều 15/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” lần thứ ba.

Quang cảnh Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, đến nay, Dự thảo Luật Thủ đô đã được biên soạn và chỉnh sửa 3 lần, trong đó, bản dự thảo lần 3 (tháng 4/2024) được bổ sung, chỉnh sửa gồm 7 chương và 54 điều.
 
Ban soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã hoàn thiện 3 nhóm vấn đề lớn: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, tạo cơ chế cho Thủ đô chủ động giải quyết công việc của Thành phố; huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô; tạo nhiều cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực (tài chính, đất đai, tài sản công, nguồn nhân lực chất lượng cao...), khai thác triệt để ưu thế, lợi thế, tiềm năng, thế mạnh để giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô, phát triển đô thị theo hướng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
 
Để các chính sách bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, các chuyên gia, các nhà khoa học đề nghị hoàn thiện Dự thảo Luật theo hướng làm rõ tính vượt trội, đặc thù để Thủ đô phát triển, trong đó có đột phá về các cơ chế, chính sách về tổ chức cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, kiến trúc…
 
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam nêu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo
 
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam nhận xét: Quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật vừa qua đã được Thành phố thực hiện nghiêm túc, khoa học, dân chủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, ý kiến chỉ đạo, đóng góp của Quốc hội. Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, chỉnh lý. Đến nay dự thảo Luật sửa đổi theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội (đầu tháng 3 vừa qua) có chất lượng khá tốt, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, đặc thù, tạo điều kiện để Hà Nội thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, đặc thù gắn liền với trách nhiệm. Tuy nhiên về Quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô (Điều 17), Quản lý sử dụng không gian ngầm (Điều 18), Tái thiết đô thị (Điều 20), Bảo vệ môi trường (Điều 28), Phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (Điều 31), Liên kết phát triển Vùng (Chương V)…, cần được rà soát, cập nhật thông tin mới (tham khảo Luật Đất đai 2024) và nghiên cứu kỹ hơn.
 
Còn theo PGS.TS. Doãn Minh Tâm, Nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành Giao thông, sau hơn 1 năm, kể từ hội thảo lần I vào tháng 02/2023, cho đến nay (4/2024) Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nghiên cứu bổ sung và chinh sửa tới lần thứ III. Điều này cho thấy Ban soạn thảo dự thảo Luật đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực và chủ động nghiên cứu để bổ sung, chỉnh sửa dự thảo. Tuy nhiên, về lĩnh vực giao thông, có thể nói rằng với Luật Giao thông đường bộ hiện hành, chưa thể đóng vai trò là cơ sở pháp lý cao nhất cho phát triển giao thông đô thị tại Hà Nội nói riêng và tại các đô thị khác nói chung. Cho nên, nhiều năm qua Hà Nội thực sự gặp phải nhiều “lúng túng” trong quá trình nghiên cứu áp dụng các mô hình mới, các công nghệ mới và các quy định mới hiện đại và tiến bộ của thế giới vào điều kiện cụ thể của Hà Nội. Vì vậy, còn nhiều vấn đề về chuyên ngành giao thông cần được tiếp tục xem xét để thể chế hóa trở thành các quy định đặc thù đưa vào Luật Thủ đô.
 
PGS.TS. Doãn Minh Tâm, Nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành Giao thông nêu ý kiến đóng góp tại Hội thảo
 
Thống nhất với việc bổ sung, sửa đổi, thêm một số điều liên quan đến 9 nhóm chính sách lớn mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra, TS. Phạm Văn Tân, Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị xem xét lại quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 33 của Dự thảo Luật. Và xem xét lại quy định tại Khoản 2 Điều 33 của Dự thảo Luật về việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. Việc áp dụng quy này có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho việc ăn, ở, sinh hoạt của người dân mà có thể họ không liên quan đến những vi phạm này. Mặt khác nếu ngừng cung cấp điện, nước sẽ làm cho công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh không hoạt động được nữa và có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tinh thần tại khu vực bị ảnh hưởng thì cơ quan, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm về các thiệt hại này? “Do đó, Cơ quan soạn thảo cân nhắc không nên quy định biện pháp ngăn chặn ngừng cung cấp điện, nước, mà nên đưa ra biện pháp ngăn chặn hợp lý khác”, TS. Phạm Văn Tân, Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị.
 
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
 
Đóng góp về Điều 22: Phát triển giáo dục và đào tạo, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội kiến nghị sửa: Khoản 1 “Xây dựng và phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô Hà Nội là Trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về đào tạo chất lượng cao, thích ứng với chuyển đổi số Quốc gia, đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế, phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và đảo bảo công bằng trong giáo dục cho cả hệ thống công lập lẫn tư thục”.
 
Để thực hiện những mục tiêu này, Thành phố sẽ ưu tiên để giáo dục đào tạo Hà Nội thực hiện tốt các khâu đột phá: Đột phá về chính sách đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo; Đột phá nêu cao vị trí vai trò trường học, đảm bảo các điều kiện để mỗi trường học của Thành phố đều có điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều, thỏa mãn nhu cầu gửi con đến trường của người dân Thủ đô. “Muốn vậy Thành phố phải trao quyển tự chủ cho các trường học. “Mỗi trường học của Thủ đô phải phấn đấu là những trường học “Tự chủ - dân chủ - nhân văn - sáng tạo”. Đây là bốn yếu tố cơ bản để đảm bảo chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
 
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, vị trí của Thủ đô rất quan trọng và đặc biệt, vì đó là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước... Trong 63 tỉnh, thành thì Thủ đô là một và chỉ có một Thủ đô có Luật, cho nên yêu cầu này lại vô cùng lớn và rất là trọng trách. Thêm nữa, về mặt nội lực, vị trí địa lý thì giữ nguyên nhưng việc tăng dân số cơ học rất lớn, năm sau tăng hơn năm trước, tức là giữa nhu cầu khách quan và nội lực không đáp ứng được. Muốn như vậy cần có sự phù hợp với thực tế để Thủ đô đạt được mục tiêu… Có thể nói, vì Thủ đô có vị trí địa lý đặc biệt, cho nên Thủ đô phải đạt mục tiêu mà Nhà nước và nhân dân yêu cầu, nên phải có cơ chế đặc thù.
 
Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với thành phố. Liên hiệp Hội thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t