Nhiều giải pháp nhằm hiện thực mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và phát triển (20:26 06/12/2022)


HNP - Chiều 6/12, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tọa đàm Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại văn minh và phát triển. Tham dự hội nghị có các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực.

Quang cảnh tọa đàm


Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết: Kể từ năm 1975 đến nay, đối với Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành 5 Nghị quyết về vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TW với tầm nhìn mới, tư duy mới và nhất là tâm thế phát triển mới để Thủ đô Hà Nội tích hợp được những cơ hội, thuận lợi từ tình hình quốc tế, khu vực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển Thủ đô Hà Nội như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, đã đưa ra 4 nhóm quan điểm; tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Thủ đô; 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới; "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
 
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã triển khai một số nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương của Thành phố nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội và cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có tính khả thi cao để quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.
 
Cuộc tọa đàm đã làm rõ thêm ý nghĩa, mục tiêu, giải pháp được đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố Hà Nội và các vấn đề trong thực tiễn. Đồng thời, tập trung đề xuất các ý kiến để làm sâu sắc hơn giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển văn hóa Thủ đô; chuyển đổi số, xây dựng thể chế, truyền thông chính sách…
 
Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức tặng hoa các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm
 
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phân tích thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới; nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; tập trung phát triển văn hóa Hà Nội; thúc đẩy các cơ chế đặc thù, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của Hà Nội...
 
Theo các chuyên gia, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết số 15 đề ra cần rất nhiều yếu tố, về quy hoạch, phát triển văn hóa, thu hút về nguồn nhân lực chất lượng cao… Trong đó, về quy hoạch, KTS Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập đến 2 quy hoạch triển khai song song đồng thời là Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội đã giao cho 2 đơn vị thực hiện Nghị quyết này, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội là đơn vị được giao tổ chức điều chỉnh chung quy hoạch. Quá trình thực hiện, Viện phối hợp với các cơ quan của Thành phố để rà soát, đánh giá, nhận định, xem xét các yếu tố tác động để đưa vào nội dung đánh giá.
 
KTS Lưu Quang Huy cho rằng, Hà Nội có một số thuận lợi như có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến, không đâu so sánh được; có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn là nguồn lực liên quan đến phát triển kinh tế; Hà Nội có đặc trưng đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, thành khác không có. Điểm thuận lợi nữa là Hà Nội có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn, có quỹ đất lớn - là 1 trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Đây là thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai.
 
TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại tọa đàm
 
Đi sâu vào vấn đề văn hóa, một nguồn lực to lớn cho sự phát triển của Hà Nội, TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Chúng ta cần xây dựng văn hóa con người và tập trung tuyên truyền về 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất, hãy coi đó là 3 trụ cột của quốc gia để xây dựng văn hóa mới phát triển và thăng hoa được. Đó là, văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội, văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước, văn hóa công sở và đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia.
 
"Tôi cho rằng, văn hóa quyết định kinh tế và trong tình hình hiện nay, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế. Nếu không có văn hóa lành mạnh sẽ không có kinh tế bền vững; bởi văn hóa, đạo đức xuống cấp thì mọi thành tựu về kinh tế, vật chất đạt được không còn nhiều ý nghĩa. Xây dựng trụ cột thứ 3 là văn hóa công sở, đạo đức công vụ phải đào tạo đội ngũ cán bộ hết sức vì dân, phải luôn luôn lấy lòng dân để làm thước đo cán bộ qua từng việc một. Nếu làm tốt 3 trụ cột này, Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát triển, đó là những điều dân mong nhất, cần nhất hiện nay" - TS Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
 
Đề cập đến chuyển đổi số là một công việc trọng đại của quốc gia Việt Nam hiện nay và cũng là vấn đề được nhấn mạnh trong các giải pháp được đặt ra tại Nghị quyết 15, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, đương nhiên Hà Nội phải đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Chuyển đổi số ở Hà Nội sẽ thực hiện theo 3 trụ cột: Kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
 
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đóng góp ý kiến
 
Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua và có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà thể hiện rõ nhất là chính quyền số đã bước đầu tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điều này có thể ghi nhận cụ thể trong công tác cải cách hành chính ở một số quận, huyện, phường xã, được người dân đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, việc xây dựng xã hội số, đặc biệt là kinh tế số chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên số.
 
"Tôi nghĩ trước hết phải xây dựng cơ chế, hệ thống chính sách để khích lệ công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc tham gia vào việc chuyển đổi số của các yếu tố Nhà nước, phải đặc biệt khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Cần nhấn mạnh rằng, thành phần doanh nghiệp số sẽ quyết định sự thành công của công cuộc phát triển kinh tế số ở Thủ đô Hà Nội" - Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
 
Một trong những vấn đề được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh là cơ chế để thu hút người tài cho Hà Nội. Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, để xử lý các vấn đề của Hà Nội phải có người tài. Bên cạnh vấn đề lương bổng cho người tài, Thành phố phải có mô hình thể chế cho người tài thử nghiệm, có không gian để họ phát huy tài năng trong khuôn khổ.
 
Đồng tình với ý kiến này, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, việc khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực trí tuệ trên phải là một việc cấp thiết. Hà Nội đang cần một nguồn nhân lực chất lượng cao…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t