Khai mạc Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn Thành phố năm 2022 (14:13 10/08/2022)


HNP - Sáng 10/8, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn Thành phố năm 2022.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn Thành phố năm 2022


Hội chợ đã thu hút 150 gian hàng của 70 đơn vị tham gia với nhiều chủng loại sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của các địa phương cung ứng, kết nối cho các chợ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân Thủ đô. Ban tổ chức cũng đã thông tin, mời các doanh nghiệp, siêu thị, các chuỗi, sàn giao dịch thực phẩm; các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tới tham dự lễ khai mạc, tham quan các gian hàng trong suốt thời gian diễn ra hội chợ để nâng cao hiệu quả kết nối tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố.
 
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội bên cạnh việc phát triển các loại hình thương mại hiện đại thì việc duy trì, phát triển kênh phân phối truyền thống cũng là nhiệm vụ quan trọng, trong đó, chợ truyền thống là kênh phân phối tồn tại lâu đời và gắn bó với đời sống Nhân dân, cung ứng lượng lớn thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu.
 
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ còn tồn tại như: một số hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ chưa được thực hiện thường xuyên, các điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định, điều kiện cơ sở vật chất tại một số chợ đã bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn thực phẩm…
 
Đông đảo người dân đến thăm quan, mua sắm tại các gian hàng
 
Trước thực trạng đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4727/QĐ-UBND ngày 5/11/2021 phê duyệt Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai thực hiện. Đến nay, đã đạt được một số kết quả trọng tâm. Cụ thể, đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm và về Đề án. Tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm an toàn thực phẩm... Hoàn thành công tác rà soát, khảo sát thực trạng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ.
 
Theo đó, qua báo cáo của UBND 26 quận, huyện, thị xã có 22.286 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, trong đó, có 17.804 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1.483 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương, 2.999 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế…
 
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, Sở Công thương - cơ quan thường trực sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn trong đó có các chợ.
 
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng tại một số chợ trạm xét nghiệm nhanh chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thiện các điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố...

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t