Cục Thuế thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao (19:55 16/06/2022)


HNP - 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh nền kinh tế cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của CBCC ngành thuế Thủ đô, công tác thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Cục Thuế TP Hà Nội đã đạt được những kết quả khích lệ. 

Tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố do cơ quan Thuế quản lý thu ước 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện 164.875 tỷ đồng, đạt 58,5% DTPL, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021 (Tổng thu không bao gồm tiền thuế và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn thời hạn nộp trong 6 tháng đầu năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
 
Đạt được kết quả trên, theo Cục Trưởng Cục thuế Mai Sơn, ngoài việc chủ động xây dựng nhiệm vụ trọng tâm công tác thuế năm 2022 với 4 nhiệm vụ trọng tâm, 6 nhóm giải pháp, ngành thuế Thủ đô còn chủ động triển khai các giải pháp về quản lý thuế theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. 
 
Công tác tuyên truyền hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho NNT tiếp tục được tập trung đẩy mạnh. Thông qua việc đa dạng hoá các hình thức triển khai trực tiếp và trực tuyến (trên các nền tảng số như: thư điện tử, Website, Facebook, Youtube… dưới hình thức tin bài viết, xây dựng video tuyên truyền một cách linh hoạt, sáng tạo), qua đó vừa đảm bảo hiệu quả trong công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (NNT), vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. 
 
Cục Thuế cũng đã kịp thời phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông của Trung ương và Thành phố để tuyên truyền các chính sách pháp luật thuế, đặc biệt là chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ. Nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của NNT thông qua nhiều hình thức, đặc biệt qua Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT qua hệ thống thuế điện tử (eTax) để giải quyết ngay hoặc báo cáo, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết. 
 
Đáng chú ý, ngày 16/03/2022, Cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, NNT thực hiện quyết toán thuế năm 2021 (đã tiếp nhận và giải đáp kịp thời, đầy đủ đối với 207 vướng mắc của người nộp thuế), qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Tăng cường hỗ trợ người thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2021”, giảm thiểu tối đa việc thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp tại cơ quan thuế (tỷ lệ giao dịch điện tử tăng 77% so với năm 2021).
 
Các nhóm giải pháp quản lý thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế được triển khai có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế.
 
Cục Thuế đã tăng cường triển khai các giải pháp quản lý thuế nhằm mở rộng, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Thường xuyên theo dõi, bám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, NNT trên địa bàn để quản lý chặt chẽ nguồn thu; đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp, NNT duy trì, ổn định, mở rộng và phát triển SXKD, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. 
 
Đồng thời, chú trọng công tác chuẩn bị trước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế trên cơ sở phân tích rủi ro chuyên sâu, dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin điện tử của ngành Thuế, kết hợp với thông tin từ các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và thông tin truyền thông để xác định kịp thời, chính xác các DN có rủi ro cao về thuế, các DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế; không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tuy nhiên cũng không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.
 
Công tác thanh kiểm tra sau hoàn thuế được tập trung đẩy mạnh nhằm hạn chế tối đa hiện tượng khai không đúng hồ sơ hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước. Tăng cường việc thanh kiểm tra theo chuyên đề với các lĩnh vực rủi ro cao về thuế như: thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, hoàn thuế.
 
“Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành hoàn thành 6.197 cuộc thanh kiểm tra, đạt 40% kế hoạch được giao. Tổng số xử lý qua thanh kiểm tra ước thực hiện 2.755 tỷ, trong đó: Giảm thuế GTGT được khấu trừ: 259 tỷ; Giảm lỗ: 1.258 tỷ; Tổng thuế truy thu, truy hoàn và phạt: 1.237 tỷ” – đồng chí Mai Sơn thông tin.
 
Triển khai công tác quản lý nợ, Cục Thuế hướng tới mục tiêu kép vừa thu hồi nợ thuế, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần: tập trung phân loại hồ sơ nợ, tháo gỡ hoặc phối hợp các Sở Ngành, Quận Huyện tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, người nộp thuế. Theo đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện miễn giảm tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 đối với 1.234 NNT với số tiền miễn là 796 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế đã phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND Thành phố giải quyết vướng mắc đối với các dự án nợ nghĩa vụ tài chính về đất. Ngay từ những tháng đầu năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt trong công tác thu hồi nợ đọng, Cục Thuế đã thu được số tiền thuế và tiền chậm nộp là 874 tỷ đồng, điển hình như: tiền chậm nộp Dự án khu đô thị mới Vân Canh của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị số tiền 248 tỷ đồng, Dự án 201 Minh Khai của Tổng công ty CP
 
Song song với đó, Cục Thuế cũng phối hợp với các đơn vị kiên quyết xử lý đối với các đơn vị chây ỳ, có dấu hiệu chiếm dụng tiền thuế (bằng nhiều biện pháp mạnh như công khai nợ thuế, cưỡng chế hóa đơn; thanh kiểm tra toàn diện việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế của NNT; gửi văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…). Chú trọng tham mưu làm tốt vai trò cơ quan thường trực trong Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ của Thành phố và các quận, huyện, thị xã. Chủ động triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đối với NNT thuộc đối tượng cũng như không thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ nhằm đôn đốc NNT thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách ngay khi đến thời hạn theo quy định.
 
Ước tổng nợ tại thời điểm ngày 30/06/2022 là 22.496 tỷ đồng, giảm 1.437 tỷ đồng (tương đương giảm 6%) so với cùng kỳ năm 2021. Ước thu nợ 6 tháng đầu năm 2022 được 4.650 tỷ đồng, đạt 47% chỉ tiêu thu nợ năm 2022.
 
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Cục Thuế TP Hà Nội luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa quản lý thu thuế, giúp cơ quan thuế, NNT giảm chi phí và thời gian. Từ đó, góp phần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thành phố.
 
Có thể khẳng định, kết quả triển khai cải cách hành chính thuế, hỗ trợ NNT của Cục Thuế TP Hà Nội Nội đã được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế ghi nhận (trên 75% người nộp thuế hài lòng và rất hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan thuế).
 
Cục Trưởng Cục thuế Mai Sơn cho biết, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao, 6 tháng cuối năm 2022, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp. Trong đó, Cục thuế sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; chủ động đổi mới phương thức tuyên truyền hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật về thuế, qua đó giúp doanh nghiệp, người nộp thuế duy trì ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, NNT thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Từ đó xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ban ngành địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách. Kịp thời đề xuất các phương án chỉ đạo, điều hành thu ngân sách phù hợp, hiệu quả.
 
Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế; rà soát, ưu tiên triển khai sớm những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề. Triển khai hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; Tiếp tục rà soát các quy trình quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động quản lý thuế, trong giải quyết TTHC thuế và quản lý nội ngành, hướng tới chuyển đổi số một cách toàn diện. 

Thanh Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t