Hà Nội mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tại các huyện ngoại thành (15:07 26/05/2022)


HNP - Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, UBND Thành phố đã chấp thuận đề xuất của đơn vị về phương án hợp lý hóa luồng tuyến nhằm mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tại các huyện Thường Tín và Gia Lâm, cũng như kết nối tuyến buýt vào dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Việc mở rộng vùng xe buýt nhằm tăng khả năng tiếp cận xe buýt của người dân tạo thuận lợi trong sử dụng phương tiện công cộng


Cụ thể, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo UBND Thành phố chấp thuận cho phép điều chỉnh điểm đầu cuối tuyến buýt 34 (tăng 8,9 km) theo đề xuất của UBND huyện Gia Lâm tại Văn bản số 133/UBND-QLĐT ngày 09/01/2022, vi chỉnh lộ trình tuyến xe buýt điện E02 để kết nối với Trung tâm hành chính huyện Gia Lâm và điều chỉnh điểm đầu cuối tuyến xe buýt số 21B tại khu đô thị Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì về xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (khoảng 8,2 km) theo đề xuất của UBND huyện Thường Tín.
 
Sở Giao thông vận tải cũng đã báo cáo UBND Thành phố chấp thuận phương án kết nối tuyến xe buýt số 74, 107 vào dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc nhằm mở rộng vùng phục vụ của xe buýt trên địa bàn Thành phố và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảng viên, sinh viên đi lại bằng xe buýt từ khu vực trung tâm thành phố đến Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. 
 
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã triển khai 5 tuyến buýt lưu thông gần khu vực dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc gồm: Tuyến 107 (Kim Mã - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam); tuyến 74 (Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh); tuyến 88 (Bến xe Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai); tuyến 117 (Hòa Lạc - Nhổn); tuyến 119 (Hòa Lạc - Bất Bạt). Các tuyến trên chưa được kết nối vào khu đô thị Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
 
Sở Giao thông vận tải cũng đã đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, trong toàn Thành phố, nâng tổng số lên hơn 6.000 điểm nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách tốt hơn. Trong đó, riêng khu vực ngoại thành gồm 2.661 điểm (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 900m; 0,8 điểm/km2, các điểm dừng chủ yếu bố trí trên những đường trục chính quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện, đạt tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500 m khoảng 30%.
 
Chủ trương này nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ tốt công tác phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tăng khả năng tiếp cận xe buýt của người dân tạo thuận lợi trong sử dụng phương tiện công cộng.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t