Nâng cao giá trị sản phẩm nhãn chín muộn (10:16 11/10/2017)


HNP - Để nâng cao giá trị gia tăng đặc sản vùng miền đòi hỏi phải xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Nguyên nhân do nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ mang tính tự phát; sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hơn nữa, việc nhận thức, quản lý và giám sát lỏng lẻo chỉ dẫn địa lý khiến cho nạn hàng giả, hàng nhái diễn ra ở nhiều nơi. Khắc phục những hạn chế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn chín muộn trên địa bàn thành phố.

Sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội


Sản phẩm chủ lực

Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Thị Thoa cho biết: hiện nay, diện tích trồng nhãn trên địa bàn thành phố đứng thứ 3 sau cây bưởi và chuối. Toàn thành phố có 2 nghìn héc ta trồng nhãn, trong đó, diện tích nhãn chín muộn hơn 300ha. Việc trồng, chăm sóc nhãn chín muộn bước đầu được ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu như tuyển chọn, nhân giống, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu quả...

Mới đây, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành cấy ghép mô và nhân ra được 2 giống nhãn chín muộn là HTM1, HTM2. Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Giống HTM1 cây sinh trưởng rất khỏe, tán hình bán cầu, lá xanh đậm, mép lá lượn sóng, quả to (90-95 quả một kg), màu vàng sáng, vỏ mỏng, hay bị vẹo, cùi dày màu trắng trong, ăn giòn, nhiều nước và thơm, năng suất khoảng 300-350kg một cây 7-8 năm tuổi. Còn giống HTM2 cây cành nhiều, lá xanh đậm hơn và dài hẹp, đầu nhọn, quả to nhưng thưa hơn, màu hơi sẫm, cùi dày, ăn giòn, dai và khô hơn giống HTM1, năng suất khoảng 200-250kg một cây”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhãn chín muộn là giống có năng suất cao, ổn định, chất lượng cao không thua kém các giống nhãn của Thái Lan, Trung Quốc. Chất lượng quả nhãn chín muộn có những điểm vượt trội như: Quả to, cùi dày, sản lượng thu hoạch gấp đôi các giống nhãn khác nếu so với cây cùng cỡ, quả đều hơn, từ 50 đến 60 quả/kg. Thời vụ cũng đều, trong khi các giống nhãn khác phải từ 2 đến 3 năm mới có một năm được mùa. Với những ưu thế đó, giá bán nhãn chín muộn luôn được giá, hiệu quả thu nhập nhờ đó đạt từ 250 đến 300 triệu đồng/ha; giống nhãn chín muộn cho thu nhập cao gấp 6 đến 7 lần so với trồng lúa các loại cây ăn quả khác.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại cho biết, nhãn chín muộn là sản phẩm cây ăn quả chủ lực của nông nghiệp Thủ đô. Thời gian qua, thành phố tập trung đầu tư phát triển vùng cây ăn quả đặc sản chuyên canh trồng nhãn chín muộn tập trung tại huyện Quốc Oai và Hoài Đức. Sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức đã được xuất khẩu sang Mỹ năm 2015. Năm qua, nhãn chín muộn Quốc Oai đã được xuất khẩu sang thị trường Malaysia. Đây thực sự là tín hiệu tích cực, thể hiện chủ trương đúng của Hà Nội trong chiến lược phát triển cây ăn quả...

Nâng cao vị thế

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý như: Ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể: Bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch… Hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương đã có mặt tại các kênh phân phối tại Hà Nội và được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích, tin dùng.

Để thống nhất trong quản lý chất lượng và bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội là cần thiết. Qua đó, nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường so với nông sản cùng loại. Bởi sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý khi đưa ra thị trường phải bảo đảm các tiêu chí về chất lượng, bao bì, tem nhãn và theo quy trình nghiêm ngặt... Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hạn chế hiện tượng hàng giả, hàng nhái sản phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết, tìm mua sản phẩm với số lượng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết thêm, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn chín muộn trên địa bàn thành phố sẽ được triển khai trong năm 2018. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tên địa danh đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn chín muộn; thiết kế logo chỉ dẫn nhãn chín muộn; xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý; hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo vệ chỉ dẫn địa ký nhãn chín muộn. Ông Nguyễn Xuân Đại cho hay, chỉ dẫn địa lý nhãn chín muộn được bảo hộ và sử dụng sẽ mang lại sự ổn định về xã hội, vững chắc về kinh tế cho địa phương. Tạo tiền đề và khuyến khích người dân tham gia thành lập các nhóm, đội, hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Tiến đến áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý...

Theo Quy định tại Điều 79, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2015: Điều kiện để chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định cần được xác định thông qua sự biết đến sản phẩm một cách rộng rãi trong giới tiêu dùng liên quan và có khả năng kiểm chứng được..


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t