Quản lý công trình cấp nước tập trung ở nông thôn: Khắc phục những bất cập (13:52 10/10/2017)


HNP - Thời gian qua, TP Hà Nội tích cực đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý các công trình này vẫn còn nhiều bất cập, có nơi nông dân không có nước sạch để dùng. Để khắc phục tình trạng này, cùng với thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, cần có sự quản lý thống nhất sau đầu tư.

Vẫn còn tình trạng lãng phí kém hiệu quả

Kết quả rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, ngoại thành Hà Nội đã đầu tư xây dựng 119 công trình cấp nước tập trung gồm: 9 công trình được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (100% vốn của doanh nghiệp); 6 công trình cấp nước mới được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới; 104 công trình cấp nước được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách (ngân sách thành phố, huyện, xã và nguồn vốn từ Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn...). Tuy vậy, vẫn còn nhiều công trình cấp nước sạch được đầu tư từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng chưa phát huy hiệu quả. Trong số các công trình cấp nước tập trung nông thôn đã được đầu tư nêu trên có 86 công trình hoạt động ổn định với công suất thiết kế từ 300-3.000m3/ngày đêm. Nhưng, hiệu suất hoạt động trung bình của tất cả các công trình cấp nước chỉ đạt khoảng 80%; tỷ lệ thất thoát nước thấp nhất là 7% và cao nhất lên tới 70%, tỷ lệ nước sạch thất thoát trung bình khoảng 30%.

Lý giải bất cập trên, hầu hết lãnh đạo các huyện cho rằng, do nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến nhiều công trình cấp nước bị xuống cấp, hư hỏng. Hiện trên địa bàn thành phố có 18 công trình do không tái đầu tư bảo dưỡng dẫn đến công trình xuống cấp, hư hỏng không hoạt động hoặc dừng hoạt động. Trong đó có 11 công trình không hoạt động do xuống cấp hư hỏng; 7 công trình cấp nước trên địa bàn huyện Thanh Trì dừng hoạt động do trên địa bàn đã có hệ thống cấp nước đô thị.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các công trình chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định. Nhiều công trình cấp nước chưa gắn liền với công tác quản lý vận hành, khai thác sau đầu tư. Việc các đơn vị kiêm nhiệm, không chuyên trách quản lý vận hành công trình sau đầu tư dẫn đến hiệu quả quản lý vận hành chưa cao. Trong khi, trình độ nhân công quản lý vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố còn nghèo nàn. Giá tiêu thụ nước thấp, chưa được tính đúng, tính đủ; công tác bảo vệ, quản lý, khai thác vận hành, hoạch toán kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu nên thu không đủ bù chi không đáp ứng được kinh phí duy tu, bảo dưỡng; tỷ lệ tái đầu tư thấp nên dẫn đến công trình xuống cấp nhanh, chất lượng nước không đảm bảo. Phần lớn các công trình cấp nước tập trung nông thôn quy mô nhỏ, thời gian đầu tư xây dựng từ lâu, trung bình các trạm có tuổi thọ hơn 15 năm. Nhiều công trình cấp nước xây dựng không đồng bộ, chỉ có cụm đầu mối và trục chính không đủ mạng lưới đường ống dịch vụ dẫn đến công trình không thể hoạt động...

Thống nhất quản lý

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết: với sự quan tâm đầu tư của thành phố, các công trình cấp nước sạch tập trung ở nông thôn đã giúp người dân tiếp cận với nước sạch. Đồng thời, thay đổi thói quen tập quán trước đây vốn quen với việc sử dụng nước mưa, ao, hồ, sông rạch không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận những tồn tại nêu trên cần sớm được khắc phục, nhằm tăng cường quản lý tài sản nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn.

Theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC và Thông tư 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch ở nông thôn, các công trình đã giao quản lý đang hoạt động có hiệu quả, sẽ tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng khai thác. Các công trình chưa được giao cho đối tượng quản lý hoặc giao quản lý, vận hành chưa hiệu quả, phải tổ chức thực hiện đánh giá lại, xác định giá trị thực tế của công trình tương ứng với thời gian sử dụng còn lại. Đồng thời, thực hiện giao theo nhóm công trình trong một vùng, khu vực (xã, liên xã, huyện) theo quy hoạch, không giao riêng lẻ công trình thuận lợi có ưu thế khai thác. Thứ tự ưu tiên giao quản lý, vận hành vẫn là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp xã.

Để thống nhất và phù hợp với Chỉ thị trong việc giao quản lý, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh nông thôn Hà Nội vừa đề xuất sở, ngành liên quan: Đối với 6 công trình thuộc dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, giao Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông quản lý, vận hành; đối với 104 công trình đã đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước đề xuất nhiều phương án, chẳng hạn như: Thanh lý các công trình đầu tư lâu năm đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng không còn khả năng phục hồi. Tương tự, với 36 công trình đang xây dựng chưa có đơn vị quản lý vận hành hoặc các công trình hoạt động kém hiệu quả, đã dừng hoạt động nếu có khả năng sẽ cải tạo nâng cấp để tiếp tục cung cấp nước sạch cho nhân dân. Với 39 công trình còn lại đang hoạt động hiệu quả, Trung tâm đề nghị tiếp tục giao cho các đơn vị quản lý.


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t