Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và những kết quả bước đầu (13:21 23/04/2017)


HNP - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, lĩnh vực nông nghiệp của thủ đô Hà Nội đã có những kết quả khởi sắc, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp của Thủ đô


Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, đầu tư. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành đã góp phần tạo đột phá mới trong tái cơ cấu ngành, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương,
 
Thành phố đã triển khai tái cơ cấu một cách đồng bộ, trong đó, công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức ngành nông nghiệp được thực hiện theo đúng hướng dẫn của trung ương theo hướng rõ chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị thuộc sở và giảm đầu mối. Về cơ cấu tổ chức, Sở Nông nghiệp và PTNT được tinh gọn với 5 phòng tham mưu tổng hợp, chuyên môn, nghiệp vụ, 7 Chi cục, 5 Trung tâm và 1 ban quản lý.
 
Trong nhiệm vụ chuyên môn, ngành nông nghiệp đã triển khai trên cả ba lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, với các nội dung chính gồm: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi dựa trên lợi thế của địa phương và thích ứng biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất tập trung với các hợp tác xã và tổ hợp tác là nòng cốt và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, đầu tư kết cấu hạ tầng gắn kết tái cơ cấu với xây dựng nông thôn mới. 
 
Trên địa bàn Thành phố, đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có giá trị kinh tế cao như mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh; mô hình cây ăn quả ở huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh... cho giá trị 0,5 đến 1,5 tỷ đồng, thậm chí đạt 2-2,5 tỷ đồng/ha/năm...
 
Đặc biệt, thành phố đã phát triển được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó có 22 vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 5.044ha, 25 vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 2.708ha, 14 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao với diện tích 15.500ha, 10 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 2.700ha, 5 vùng sản xuất chè chất lượng cao với diện tích 3.000ha; giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25% (trong đó đối với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%), chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%.  
 
Riêng lĩnh vực chăn nuôi, hiện đã phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm, bao gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và 3.660 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đã có 20 vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 2.500ha đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường... giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2016 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với năm 2011.

Trong nhiều năm nay, thành phố đã thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới, cùng với cơ chế, chính sách của thành phố đầu tư cho “tam nông”. Kết quả cho thấy thành phố Hà Nội không chỉ dẫn đầu cả nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu kinh tế nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, mà còn ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Trên thực tế, một số chương trình ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống và chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng đã được triển khai tại các huyện, thị xã cho hiệu quả cao. Đáng chú ý là chương trình phát triển đàn bò BBB, sử dụng tinh phân ly (tinh phân biệt giới tính) trong chăn nuôi bò sữa, hay trồng lan nuôi cấy mô trong trồng trọt…
 
Thời gian tới, thành phố phấn đấu tổng sản phẩm nông nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 3,5-4,0%. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt (khoảng 39,3%), tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản (khoảng 54%) và dịch vụ (khoảng 6,7%). Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 35%.
 
Trong rất nhiều giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t