Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 (14:47 10/05/2024)


HNP - Ngày 10/5, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương


Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố cùng lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố tham dự Hội nghị.
 
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2023, ở nước ta, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và người dân, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.
 
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn. Công tác dự báo, cảnh báo sớm, đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, dông, lốc, sét trong thời đoạn ngắn còn hạn chế; thông tin cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực thường xuyên xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn trong một số trường hợp còn chưa được kịp thời, đầy đủ. Nguồn lực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương...
 
Theo nhận định, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông năm 2024 xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên biển Đông; 5-7 cơn bão đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.
 
Để phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, cần tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24h, nắm chắc tình hình chủ động ứng phó, khắc phục, xử lý các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời, hiệu quả không để bị động bất ngờ. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Kiểm tra công tác phòng ngừa sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tập trung vào thời điểm trước mùa mưa bão và những địa bàn trọng điểm thường có nguy cơ xảy ra sự cố, thiên tai…
 
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận đưa ra các giải pháp phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2024: Theo dõi chặt chẽ và cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo, dự báo bằng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động và mạng xã hội; trích lập quỹ phòng chống thiên tai hoặc kinh phí cho hoạt động phòng chống thiên tai trong đó có bố trí nguồn vốn, kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dự trữ và cứu trợ kịp thời khi có thiên tai; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn tổ chức luyện tập, diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai...
 
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều loại hình thiên tai. Thiệt hại do thiên tai được giảm thiểu tối đa cho thấy các cấp bộ ngành Trung ương, các địa phương đã có sự chủ động hơn, nhất là trong công tác dự báo và ứng phó. Ghi nhận kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại. Đó là nhận thức của cán bộ có lúc, có nơi và của người dân còn hạn chế. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng đã thực hiện tốt. Một số quy định pháp luật hiện nay chưa thông suốt hoặc quá cũ, không còn phù hợp thực tiễn; hay trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu với thiên tai còn hạn chế, cũng là những vấn đề Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trăn trở.
 
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cấp bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp. Các bộ, ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự trên tinh thần cái nào đã rõ thì đưa vào nghị định, còn chưa rõ thì đưa vào thông tư, hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai.
 
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp bộ ngành và cộng đồng. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ. Rà soát, cập nhật, tính toán phương án phòng chống thiên tai. Tăng cường chất lượng công tác dự báo bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể...

Thu Hằng - Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t