Đại biểu HĐND Thành phố ấn tượng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (21:33 07/12/2022)


HNP - Chiều 7/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu thảo luận tại tổ về 5 nội dung, gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của Thành phố; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của Thành phố, định mức phân bổ ngân sách Thành phố, giai đoạn 2023-2025; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2023; Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 1


Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã bày tỏ nhất trí với các nội dung Tờ trình, khẳng định năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Thành phố đã thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và đạt được kết quả cơ bản, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay, thu ngân sách hoàn thành sớm.
 
Bày tỏ ấn tượng với những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 22 chỉ tiêu đều đạt, trong đó, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8,89%, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh (Tổ huyện Phú Xuyên) nhận định, năm 2022, Thành phố cũng đã hoàn thiện các thể chế phát triển Thủ đô, đảm bảo phù hợp thực tiễn; Chú trọng lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; Công tác quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư. “Bên cạnh tăng trưởng về kinh tế, các lĩnh vực an sinh xã hội cũng được đảm bảo phát triển rất đồng đều”- đại biểu nêu.
 
Cho rằng, tiến độ giải ngân đầu tư công dù cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra, đại biểu Lê Ngọc Anh gợi mở, để thúc đẩy công tác giải ngân đầu tư công, nhất là các huyện khu vực phía Nam Thành phố, thời gian tới, Thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cho các huyện. Đặc biệt, cần tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư Khu công nghiệp Nam Hà Nội; kêu gọi được các nhà đầu tư để phát triển vùng phía Nam. 
 
Đại biểu Lê Ngọc Anh phát biểu tại buổi thảo luận
 
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Ngọc Anh, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Tổ đại biểu quận Hà Đông) nhận định, năm 2023, kinh tế cũng dự báo còn khó khăn, do đó, Thành phố cần có giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước tại địa phương, để có sản phẩm, thúc đẩy nguồn thu cho ngân sách Thành phố.
 
Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho biết, hiện nay, Thành phố cho đã phân cấp cho quận huyện 6 lĩnh vực chi đầu tư, 3 lĩnh vực chi thường xuyên. Các địa phương cũng rà soát các dự án để thực hiện đầu tư, trong đó, quận Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh, cần đầu tư công trình có quy mô hiện đại để sử dụng lâu dài, nên nguồn lực đầu tư lớn. Để có nguồn lực, Thành phố đã điều tiết nâng lên từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, cấp huyện được hưởng 100%, cấp quận được hưởng 40%. Đối với cấp quận như vậy là Thành phố đã nâng từ 35% đến 40%, nhưng thời gian tới cần hướng dẫn cụ thể để các quận thực hiện…
 
Đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ đại biểu huyện Hoài Đức) cho rằng, Thành phố cần đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế để phù hợp với phát triển Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng cơ chế tự chủ cho hai lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách hành chính cần gắn chặt với Đề án phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính thông suốt từ Thành phố đến xã, phường; công tác kiểm tra cũng phải được tích cực, để tính hiệu quả phát huy.
 
Đối với Dự án Vành đai 4, đại biểu Duy Hoàng Dương cho rằng, Thành phố cần dự báo về công tác phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Trước mắt, Thành phố cần thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý ngay các vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng; có kịch bản cụ thể, xử lý đơn thư, khiếu nại nhằm triển khai cao nhất trong giải phóng mặt bằng cho dự án về đích đúng tiến độ.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi thảo luận
 
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Hà Nội đạt 8,8%, đây là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Khẳng định trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, tới đây, Thành phố sẽ tổ chức đối thoại, thu hút đầu tư với hơn 300 doanh nghiệp Hàn Quốc. Đặc biệt, hiện nay, Thành phố đang giao các đơn vị xây dựng phần mềm để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp theo nhóm vấn đề, trên cơ sở đó, sẽ tham mưu cho Thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t