Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” (20:23 17/06/2022)


HNP - Chiều 17/6, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo


Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương chủ trì hội thảo.
 
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực phía Bắc. Đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
 
Đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà; vai trò và hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định, mang đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm Đổi mới, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao vị thế và uy tín của Đảng.
 
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Cho rằng, mặc dù có nhiều sự chuyển biến tích cực và quan trọng, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn chậm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế. Đòi hỏi này hoàn toàn phù hợp với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Đảng bộ Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc, gương mẫu quán triệt, triển khai nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả, đưa Nghị quyết số 15 NQ/TW vào thực tiễn tại Thủ đô. Qua tổng kết, Đảng bộ Hà Nội đã khẳng định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật, mang lại hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng, có tính quyết định đối với những kết quả, thành tựu phát triển của Thủ đô trong các giai đoạn vừa qua.
 
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo
 
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định quyết tâm của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội, mà ngay trước mắt, Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, trước năm 2027, theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch Thủ đô Hà Nội; phấn đấu đến năm 2025, có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 và tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị...
 
Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới
 
Tiếp đó, trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho biết, Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, trong những năm qua, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị có nhiều đổi mới quan trọng. Các hình thức, phương pháp, phương tiện, công cụ, kỹ thuật lãnh đạo được áp dụng đa dạng, linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc. Vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
 
Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo
 
Xuất phát từ tính chất, tầm quan trọng của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới, Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 NQ/TW; làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 
 
Đồng chí Nguyễn Quang Dương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; đánh giá những ưu điểm, kết quả và hạn chế, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo những nhân tố tác động, những yêu cầu mới đặt ra đối với phương thức lãnh đạo của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.
 
Hội thảo đã nghe 9 ý kiến tham luận phát biểu trực tiếp. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đề án đã nhận được gần 60 tham luận của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương và các đồng chí Bí thư, Phó bí thư cấp ủy địa phương khu vực phía Bắc.  
 
Quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh
 
Kết luận hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; qua đó, đã khẳng định được hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. 
 
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo
 
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa...”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, cho đến bây giờ lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. 
 
Tổng hợp các ý kiến tham luận tại hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã rút ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương. 
 
Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó. 
 
Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phát huy vai trò của người đứng đầu cũng như tính tới việc cho phép người đứng đầu có thêm một số thẩm quyền. 
 
Để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời, phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực... 
 
Đổi mới phương thức lãnh đạo cần phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng loại hình tổ chức Đảng trong MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, đơn vị kinh tế...
 
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải hiển diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy; cụ thể hóa bằng phong cách làm việc, lề lối làm việc ngày càng hiện đại... 
 
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t