Hà Nội chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp (20:22 12/10/2017)


HNP - Chiều 12/10, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị giao ban công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2017.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu kết luận hội nghị


Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến thời điểm 31/8/2017, trên địa bàn thành phố có 371 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với đa dạng loại hình của nhiều thành phần kinh tế. Riêng đối với các trường cao đẳng, trung cấp công lập/tư thục thuộc thành phố có 108 đơn vị. Trong đó, loại hình trường cao đẳng là 33 trường (11 công lập, 22 ngoài công lập); trường trung cấp có 75 trường (11 công lập, 64 ngoài công lập).
 
Tính đến thời điểm báo cáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh, đào tạo cho 134.805 lượt người/170.000 lượt người theo kế hoạch, đạt 81,06%. Đối với 108 trường cao đẳng, trung cấp công lập/tư thục đã tuyển sinh, đào tạo cho 39.684 lượt người. Tổng số học viên tốt nghiệp là 22.000 người.
 
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 15/3/2017 về việc thí điểm đào tạo gắn với doanh nghiệp của trường dạy nghề công lập thành phố nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động. Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng theo đặt hàng trong các trường công lập thuộc thành phố là 6.932/9.337 học sinh tốt nghiệp. Đặc biệt, một số ngành/nghề thuộc lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật, điện, điện tử, may mặc... còn thiếu chỉ tiêu so với nhu cầu tuyển dụng đặt hàng của doanh nghiệp.
 
Về nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các nhà trường nâng cao tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động. Triển khai thực hiện đề án rà soát, sắp xếp nâng cao chất lượng đào tạo nghề các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi được Thành phố phê duyệt. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn thành phố. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý lưu ý đến chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề nông thôn. Theo đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh nhu cầu và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tổng rà soát tất cả các trường dạy nghề trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các trường công lập, tạm đình chỉ các cơ sở ngoài công lập không đáp ứng được điều kiện đào tạo. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo tại các cơ sở dạy nghề. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tham mưu cho UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác đào tạo nghề, đặc biệt đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 
 
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu, trong quá trình đào tạo nghề, phát sinh khó khăn, vướng mắc, các trường, cơ sở báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thành phố phương án giải quyết. Tiếp tục thực hiện thí điểm đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động theo kế hoạch của thành phố. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại.

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t