Tăng cường các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (20:26 10/10/2017)


HNP - Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2017, TP Hà Nội duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1%; thu ngân sách đạt khá; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; trật tự văn minh đô thị đã chuyển biến rõ nét, an ninh xã hội được bảo đảm... Dù rất tích cực và dự báo khả quan với nhiều chỉ tiêu vượt xa so với kế hoạch, song qua giám sát thực tế tại các quận, huyện về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội vẫn còn lo lắng, nếu không có các giải pháp mạnh thì sẽ khó hoàn thành một số chỉ tiêu trong 3 tháng tới.

Dự báo vẫn chưa sát

Với mục tiêu thúc đẩy tăng các nguồn thu để tạo nguồn cho đầu tư phát triển và thực hiện an sinh xã hội, theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, thu ngân sách trên địa bàn thành phố dự báo năm 2017 đạt 207.628 tỷ đồng (đạt 101,4% dự toán HĐND thành phố giao); thu ngân sách trên địa bàn các quận, huyện, thị xã quản lý ước thực hiện cả năm 73.887 tỷ đồng (đạt 114% dự toán). Nguồn thu dự báo khả quan, nhưng theo ghi nhận thực tế, chi ngân sách, trong đó công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 8 tháng đầu năm 2017 đạt thấp (cấp thành phố đạt 41%; quận, huyện, thị xã đạt 58%). Theo Sở Tài chính nhận định, nguyên nhân do xây dựng và phê duyệt một số chương trình, đề án trên địa bàn thành phố còn chậm (chương trình phát triển nông nghiệp, đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao); một số sở chuyên ngành chưa kịp thời hoàn thiện hồ sơ đặt hàng theo quy định đối với các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ công ích đô thị như vận tải hành khách công cộng, duy tu đê điều, chiếu sáng công cộng, dịch vụ thủy lợi, cây xanh thoát nước… đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện dự toán chi ngân sách.

Năm 2017, kế hoạch bố trí vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Thanh Trì hơn 600 tỷ đồng và HĐND huyện đã phân bổ 582 tỷ đồng cho 92 dự án (26 dự án chuẩn bị đầu tư, 40 dự án thực hiện đầu tư, 26 dự án bố trí để quyết toán công trình). Tuy nhiên, đến nay, huyện Thanh Trì mới thực hiện giải ngân đạt 30,27% kế hoạch giao. Việc chậm giải ngân có nhiều nguyên nhân, trong đó, một phần do UBND thành phố chưa có quyết định phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu cho huyện; một phần do công tác dự báo thu thuế sử dụng đất chưa sát thực tiễn, bố trí vốn vào nguồn thu không ổn định (thuế sử dụng đất của doanh nghiệp trên địa bàn), nên khi doanh nghiệp chậm nộp, kéo theo chậm có nguồn giải ngân các dự án.

Ngoài nguyên nhân chậm do bố trí vốn vào nguồn không ổn định, việc chậm giải ngân đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản còn do việc tổ chức đấu thầu mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung trên địa bàn thành phố. Theo quy định, thành phố Hà Nội có 2 đợt mua sắm tập trung (đợt 1 vào thời điểm trước 31/01; đợt 2 vào thời điểm trước ngày 31/7 và một số dự án đã không đáp ứng kế hoạch đề ra theo 2 đợt mua sắm tập trung. Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà, việc chậm trễ giải ngân các dự án theo phương thức mua sắm tập trung do tiến độ thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán liên quan đến Sở Xây dựng không phù hợp với tiến độ theo 2 đợt của thành phố, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, không đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Về vấn đề này, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương cũng nêu ví dụ, Dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn II (Hai Bà Trưng) đang hoàn thiện phần thô, tháng 6/2017 đã cần ngay lắp đặt hệ thống khí trong tường, trần nhà (hệ thống khí để cấp cứu bệnh nhân) để tiếp tục hoàn thiện công trình. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa tiếp tục được, bởi phải chờ đợi thiết bị mua sắm tập trung, dự kiến tháng 1/2018 mới có thiết bị, sau đó nhà thầu lắp đặt, xong rồi mới tiếp tục thi công phần thô.

Tăng cường các giải pháp

Mới đây, làm việc với Sở Tài chính về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách năm 2017 và công tác xây dựng dự toán ngân sách năm 2018, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố đã đề nghị Sở cần tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp căn bản nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong đó, cần rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để điều chỉnh, tập trung vốn cho các dự án cấp bách, hoàn thành trong năm 2017.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải, đối với các quận, huyện, thị xã thu tiền sử dụng đất còn thấp so với dự toán, cần điều hành, giải ngân cho đầu tư xây dựng theo tiến độ thu được từ nguồn này. Trường hợp dự kiến thu tiền sử dụng đất cả năm không đạt dự toán, mà không có nguồn thu bù đắp, thì phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch của các dự án được bố trí vốn từ nguồn thu.

Về mua sắm tài sản công, ngoài đề nghị các sở, ngành chuyên môn sớm thẩm định, phê duyệt bản vẽ thi công, dự toán theo tiến độ, một số quận, huyện mong muốn các sở chuyên ngành như Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo… thống nhất thông số kỹ thuật các tài sản, thiết bị thuộc danh mục mua sắm, để các đơn vị triển khai lập, phê duyệt, đăng ý mua sắp cho đồng bộ, phù hợp. Tránh tình trạng thời gian vừa qua, các thông số kỹ thuật về bàn ghế học sinh không đồng bộ giữa Trung tâm mua sắm tài sản công và thông tin tư vấn tài chính thành phố Hà Nội với các sở, dẫn đến chậm.

Để tránh nợ xây dựng cơ bản, theo các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, UBND thành phố sớm chỉ đạo các sở chuyên ngành rà soát các dự án cấp thành phố; các quận, huyện, thị xã rà soát các dự án còn tồn đọng, chậm giải ngân cấp mình, từ đó xác định thứ tự ưu tiên thực hiện giải ngân theo nguồn lực. Bên cạnh đó, các sở cũng tổng hợp tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố điều hòa, điều chỉnh bố trí vốn cho hợp lý, trên tinh thần kiểm soát chặt chẽ, tránh phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t