Ra mắt bộ sách Bách khoa toàn thư Hà Nội giai đoạn 2 - Giai đoạn Hà Nội mở rộng (14:29 05/10/2017)


HNP - Sáng 5/10, UBND TP tổ chức tổng kết công tác biên soạn và xuất bản bộ sách Bách khoa toàn thư Hà Nội giai đoạn 2 - Giai đoạn Hà Nội mở rộng.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trao bằng khen cho 2 tập thể


Dự lễ tổng kết có các đồng chí: GS. Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ nhiệm công trình; TS. Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND TP cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đồng tác giả của bộ Bách khoa thư Hà Nội giai đoạn 2 - Giai đoạn Hà Nội mở rộng.

GS. Lê Xuân Tùng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là bộ Bách khoa thư thứ hai ra đời kế tiếp bộ Bách khoa thư Hà Nội gồm 18 tập về Hà Nội theo địa giới cũ, xuất bản năm 2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bách khoa thư là bộ sách nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Đối tượng nghiên cứu là tự nhiên, xã hội và con người. Bộ sách này tập trung nghiên cứu 14 lĩnh vực quan trọng là: Địa lý, lịch sử - chính trị - pháp luật, khoa học và công nghệ, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, văn học, nghệ thuật, du lịch, tín ngưỡng - tôn giáo, phong tục - lễ hội, di tích - bảo tàng, y tế, thể dục - thể thao. Độ dài khoảng 6.000 trang A4.
 
Không gian nghiên cứu là vùng đất Hà Nội mở rộng gồm tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã trước đây thuộc tỉnh Hòa Bình. Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt” nổi tiếng. Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đã sản sinh ra biết bao người con hào kiệt, nơi có “một làng hai vua”, có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học hàng đầu cả nước. Nơi có làng nghề tài hoa nổi tiếng trong và ngoài nước, nhiều kiến trúc độc đáo thu hút khách thập phương chiêm ngưỡng, nhiều làn điệu dân ca say đắm lòng người... Lịch sử dựng nước và giữ nước của vùng đất này tô đậm thêm lịch sử oai hùng suốt 4.000 năm của dân tộc ta.
 
Thời gian nghiên cứu của bộ sách trải dài trên 1.000 năm, từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đến khi hợp nhất với Hà Nội năm 2008.
 
Phương pháp biên soạn Bách khoa thư được áp dụng là phương pháp đặc thù với yêu cầu đi từ tổng hợp, khái quát đến diễn giải từng bước, nói cách khác là từ trừu tượng đến cụ thể. Nguyên tắc đó chi phối cấu trúc Bách khoa thư, phản ánh 3 cấp độ tư duy: Thứ nhất là phần tổng quan, trình bày khái quát tập sách; thứ hai là phần nội dung chính, làm sáng tỏ phần một; phần thứ ba gồm các chuyên đề, chuyên mục, phụ lục làm sáng tỏ phần hai. Tất cả được trình bày theo phong cách văn chính luận.
 
Nguồn tư liệu để biên soạn nói chung là tư liệu đã viết thành văn, được xã hội thừa nhận. Yêu cầu cao nhất của Bách khoa thư là phải chính xác, có độ tin cậy cao. Tư liệu có thể chưa đầy đủ, khi tái bản sẽ bổ sung, nhưng không cho phép sai hoặc thiếu chuẩn xác. 
 
Các cá nhân được nhận bằng khen của UBND TP

Theo GS. Lê Xuân Tùng, góp phần vào sự thành công biên soạn bộ sách, trước hết phải nói công tác chỉ đạo của Ban Chủ nhiệm và sự nỗ lực hết mình của các thành viên biên soạn. Rút kinh nghiệm biên soạn bộ Bách khoa thư trước đây, lần này có nhiều cải tiến đáng kể để nâng cao chất lượng công trình. Một yêu cầu mới trong việc chọn nhân sự khác với bộ Bách khoa thư đầu tiên xuất bản năm 2010 là phải coi trọng việc tuyển chọn tác giả từ vùng Hà Nội mở rộng. Ban Chủ nhiệm đề tài đánh giá cao về đề xuất này vì nhờ có họ mà chất Hà Nội mở rộng đậm đà thêm trong từng trang sách. 
 
GS. Lê Xuân Tùng cho biết, một điểm mới nữa là Ban Chủ nhiệm và các tác giả bộ sách luôn coi trọng chất lượng biên soạn. Các tập sách đều được đưa lên trình duyệt ở cấp thành phố với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành có uy tín về từng lĩnh vực khoa học của trung ương và thành phố. Những chuyên gia đó góp ý để tác giả chỉnh sửa lần cuối trước khi xuất bản.
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trân trọng cảm ơn những đóng góp, sự nỗ lực của tập thể đồng tác giả Bộ khoa thư. Nhân dịp này, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị các sở, ngành của thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức xuất bản để ngày càng có nhiều hơn người dân được tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu bộ bách khoa thư giá trị này. 
 
Cũng tại buổi lễ, UBND TP đã tặng bằng khen cho 2 tập thể và 39 cá nhân có nhiều thành tích trong tham gia biên soạn bộ sách Bách khoa toàn thư Hà Nội giai đoạn 2 - Giai đoạn Hà Nội mở rộng.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t