Luôn nỗ lực vì cộng đồng để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn (13:44 10/10/2017)


HNP - Thành phố Hà Nội vừa tổ chức tuyên dương 790 điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” và vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017. Đây thực sự là những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, đựợc lựa chọn từ cơ sở. Thông qua những câu chuyện, việc làm của họ đã cho chúng ta thêm tin tưởng rằng, cuộc sống quanh ta còn rất nhiều điều tốt đẹp, còn những con người luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, vì cộng đồng để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Hàng nghìn bông hoa


Chị Trần Mai Anh và những câu chuyện cổ tích giữa đời thường
 
Chị Trần Mai Anh là một Công dân Thủ đô ưu tú được Thành phố vinh danh năm 2010. Chị được biết đến với hành trình tìm lại cuộc đời cho "chú lính chì" Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi ở Quảng Nam với nhiều thương tật ở bộ phận sinh dục. Cũng từ đây, chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn” được chị ấp ủ, vận động những nhà hảo tâm, kết nối những chuyên gia, bác sỹ trong và ngoài nước để chữa trị cho những em nhỏ không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Đã 6 năm trôi qua, chương trình đã và đang mang lại những câu chuyện cổ tích giữa đời thường cho hàng trăm em nhỏ Việt Nam khác. “Có những em bé cách đây nhiều năm đến với chúng tôi cả ngày chỉ ngồi trên bô, không đi lại được, khi đến tuổi đi học không đến được trường thì nay con đã 10 tuổi, lần đầu tiên đi học lớp 1, đó là niềm vui không nhỏ. Có những em khi bố mẹ sinh ra không biết con mình là nam hay nữ, đến với chúng tôi và sau này đội ngũ của chúng tôi cũng chính là người đi làm lại khai sinh cho bé. Đặc biệt, có 1 cậu bé cách đây nhiều năm đến với chương trình thì nay em đã lập gia đình và có 1 đứa trẻ đầu tiên của chương trình ra đời, chúng tôi thường đùa rằng đó là thế hệ F1 của hành trình yêu thương này và cuộc sống thì luôn luôn tiếp nối” – Chị Mai Anh chia sẻ.
 
Chị Trần Mai Anh chia sẻ những câu chuyện của mình tại Hội nghị biểu dương "Người tốt, việc tốt" và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017
 
Khi được hỏi về động lực cho những việc làm của mình, chị Mai Anh cho rằng đó chính là sự thôi thúc của một người mẹ, thấu hiểu những tâm trạng của những gia đình có con không may bị khiếm khuyết, và chính họ là những người đã luôn đồng hành, tiếp sức cho chị trong suốt hành trình. “Người tốt có rất nhiều xung quanh chúng ta, và họ luôn biết con đường tìm đến yêu thương để đồng hành cùng nhau. Chúng tôi, những người làm bố, làm mẹ trên khắp cả nước đang tìm đến với nhau để khởi động một chương trình mới, đó là đỡ đầu cho những đứa trẻ không may đến năm 18 tuổi được ăn học để vững bước vào cuộc sống” – chị Mai Anh nói.
 
Bác sỹ Quân y Đặng Cát (sinh năm 1938), phường Nhật Tân, quận Tây Hồ: Bác sỹ của người nghèo
 
Là thương binh chống Pháp hạng 4/4, được cử đi học và trở thành bác sĩ quân y thuộc Bộ đội Biên phòng. Từ khi nghỉ hưu năm 1989, gần 30 năm nay, ông đã khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn người bệnh, đầu tiên là bà con lối xóm, về sau là bệnh nhân khắp trong Nam, ngoài Bắc, khu vực Tây nguyên… “Là một bác sĩ, một cán bộ hưu trí, tôi luôn tâm niệm cần phải truyền tải, mang những tri thức hữu ích làm sao đến được đại đa số nhân dân, góp phần chăm sóc sức khỏe được cho mọi người dân vì ở đâu người dân cũng cần chăm sóc sức khỏe cả. Với tôi, con người là vốn quý của xã hội. Có sức khỏe để mà lao động, cống hiến lại là điều có ý nghĩa quan trọng nhất chứ không phải chỉ là tiền bạc, vật chất” - Bác sỹ Quân y Đặng Cát chia sẻ.
 
Bác sỹ Quân y Đặng Cát
 
Bác sỹ Quân y Đặng Cát nói: “Xã hội ta ngày càng phát triển nhưng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân còn nhiều chênh lệch, vẫn còn rất nhiều người nghèo ốm đau bệnh tật nhưng không có đủ điều kiện để được chữa trị. Nhất là những đồng bào nghèo ở các vùng sâu vùng xa, tiền thuốc thang, viện phí có thể được BHYT hay nhà nước hỗ trợ nhưng ngay đến tiền đi lại chữa trị, nhiều người cũng khó khăn. Tôi lấy công việc thiện nguyện, làm việc có ích cho đời là niềm vui cho mình. Con cháu tôi cũng đã trưởng thành đầy đủ và đều rất ủng hộ tôi nên trong công việc của mình tôi có thể toàn tâm toàn ý mà không vướng bận gì. Già cả là việc tất yếu của đời người nhưng chừng nào còn sức khỏe, còn đi lại được tôi sẽ còn làm”.
 
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường: Tấm gương tiêu biểu cho tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”
 
Là chiến sỹ thuộc Đội CSGT số 2, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội, ngoài làm tốt công tác chuyên môn, Đại úy Nguyễn Tuấn Cường cùng các đồng đội đã có thành tích trong tham gia truy bắt tội phạm, trả lại tài sản bị mất cho người dân. Điển hình là vụ việc anh đã tìm lại được chiếc xe máy bị mất của một nông dân ở Hưng Yên và trực tiếp tìm cách liên hệ với gia đình để trao trả tận tay tài sản này. Cảm động trước nghĩa cử này của Đại úy Nguyễn Tuấn Cường, tại hội nghị tuyên dương 790 điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” và vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017 sáng 8/10, anh Hiếu (quê Hưng Yên, người được trả lại chiếc xe máy bị mất) đã lặn lội vượt quãng đường hơn 30km bằng chính chiếc xe máy kể trên để lên Hà Nội và nói lời cảm ơn với người chiến sĩ Cảnh sát giao thông của Thủ đô.
 
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường
 
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường cho rằng: “Đó là trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân. Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để đảm bảo bình yên cho xã hội. Hưởng ứng phong trào thi đua của thành phố, đơn vị tôi ngay từ năm 2013 đã có nhiều phong trào hưởng ứng, từ đó đến nay, có rất nhiều gương người tốt việc tốt trong đơn vị”.
 
Nghệ nhân Lê Bá Chung (sinh năm 1960), xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm: Nỗ lực khôi phục nghề truyền thống
 
Sinh ra ở một gia đình, một ngôi làng có làng nghề truyền thống sơn son thếp vàng đang dần bị mai một, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Nghệ nhân Lê Bá Chung đã bàn với các cụ già trong làng phải làm mọi cách để khôi phục lại làng nghề của mình. “Một phần vì trong tôi có sự yêu nghề được vun đắp từ truyền thống của gia đình, một phần vì với những người làm nghề như chúng tôi, chứng kiến cảnh làng nghề mình bị mai một, tâm lý đều rất xót xa. Chúng tôi luôn muốn làng nghề của mình được phát triển lên và có sức bền vững, làm ra sản phẩm phải có thương hiệu và sống được” - Nghệ nhân Lê Bá Chung chia sẻ.
 
Nghệ nhân Lê Bá Chung
 
Lúc đầu khi bắt tay vào khôi phục làng nghề rất gian nan. Muốn khôi phục làng nghề sơn son thếp vàng thì phải bắt đầu từ sơn truyền thống, mà sơn ta thì không chịu được ẩm ướt nên nếu thời tiết không thuận lợi thì lại phải xử lý lại từ đầu. Hay làm thế nào để tìm ra chất giấy thay thế giấy dó không phải nhập khẩu từ nước ngoài… tất cả đều không dễ dàng, đòi hỏi phải tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu rất nhiều. Chỉ có thể nói ngắn gọn rằng, đến giờ, công cuộc khôi phục làng nghề sơn son thếp vàng của chúng tôi đã thành công. Tôi cảm thấy tự hào về làng nghề của mình.
 
“Khi nỗ lực khôi phục lại làng nghề truyền thống, tôi chưa bao giờ nghĩ đến một ngày mình sẽ được tôn vinh, được vinh danh như ngày hôm nay mà chỉ xuất phát từ cái tâm của mình, cái mong muốn của mình là phải khôi phục lại để các thế hệ con cháu của mình giữ được nghề của gia đình, nghề truyền thống chung của cả làng” - Nghệ nhân Lê Bá Chung tâm niệm.
 
Em Hoàng Đức Mạnh, học sinh Trường THCS Hồng Quang và hành trình 2 tháng cõng bạn đến trường 
 
Thấy bạn Nguyễn Văn Quang, học cùng lớp bị tai nạn gãy chân không tự đi lại được, em Hoàng Đức Mạnh (lớp 9A, Trường THCS Hồng Quang) đã tới tận nhà chở bạn đến trường và cõng bạn lên lớp học suốt gần 2 tháng ròng, chỉ vì không muốn bạn phải nghỉ học dài ngày.
 
Em Hoàng Đức Mạnh
 
Điều đáng chú ý không chỉ ở việc, Mạnh và Quang không phải là 2 người bạn chơi thân với nhau, mà còn bởi người bạn của Mạnh có cân nặng còn lớn hơn cả em. Khi được hỏi lý do dẫn tới hành động đầy ý nghĩa này, Mạnh chia sẻ “vì khi em đến thăm bạn, nghe bạn kể chuyện và được biết bố mẹ bạn bận khó có thể đưa đón con đến trường đều đặn, lo sợ bạn buồn vì sẽ phải nghỉ học dài ngày”.
 
Nhận xét về người học trò của mình, cô giáo chủ nhiệm lớp 8A của Mạnh nói, việc tốt của Mạnh sẽ thắp sáng và lan tỏa hơn phong trào “người tốt, việc tốt”, “đôi bạn cùng tiến” mà nhà trường đang phát động. Không chỉ là một tấm gương vượt khó học giỏi (gia đình thuộc diện hộ nghèo) mà ở độ tuổi của mình, Mạnh còn truyền cảm hứng, lan tỏa đến phong trào người tốt việc tốt trong nhà trường, địa phương nhờ việc sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, người có hoàn cảnh khó khăn.
 
Ông Mai Xuân Chức (xã Cao Thành, Ứng Hòa) - tấm gương cống hiến xây dựng văn hóa địa phương
 
Là một cựu chiến binh, đảng viên mẫu mực, những năm qua, sau khi nghỉ hưu ông đã về quê sinh sống, cống hiến và luôn là điển hình tiên tiến, đóng góp tích cực, tham gia nhiều công tác xã hội tại địa phương như: Tham gia thiết kế, xây dựng các công trình phúc lợi ở quê hương; tìm hiểu, dịch sắc phong cổ; thành lập câu lạc bộ thơ; xây dựng thư viện... Hiện, ông đã ra mắt 7 cuốn sách, trong đó có 1 tập nhạc.
 
Ông Mai Xuân Chức
 
Ông Mai Xuân Chức nói: “Tôi có một suy nghĩ đơn giản như này, con người khi tuổi đã cao, sức khỏe già yếu, vấn đề quan trọng là không phải trước đây mình làm to đến đâu, giữ chức vụ cao thế nào mà mấu chốt là bây giờ mình có nhiệt tình, đóng góp cho quê hương đất nước hay không?”.
 
Anh Tạ Đình Huy (sinh năm 1983, huyện Chương Mỹ): “Nhà sáng chế” của nông dân
 
Không được qua trường lớp, không có bằng cấp, nhưng từ trải nghiệm thực tế và tự tìm tòi, anh Tạ Đình Huy đã giúp chế tạo ra những sản phẩm phù hợp với sản xuất của bà con nông dân. Lúc đầu là những chiếc máy đơn giản như máy bơm nước, máy phun thuốc, máy tời kéo...
 
Sau đó, nhận thấy để cải tiến sản phẩm của mình tân tiến hơn nữa, có thể đưa vào sản xuất sản phẩm đại trà hơn thì đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa thực tế và kỹ thuật cơ bản, anh đã kết hợp với những kỹ sư về chế tạo máy móc để lên bản vẽ, thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp nhất. “Dần dần, tới năm 2013, tôi đã hoàn chỉnh được chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1”: Cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ... và đến cuối năm 2016, máy đa năng đã tích hợp được tới 15 chức năng, có thể làm hầu hết những công việc của nhà nông, phù hợp với các vùng miền và tập quán canh tác trên cả nước”, anh Tạ Đình Huy nói.
 
Anh Tạ Đình Huy
 
“Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên tôi hiểu công việc của người nông dân, hiểu thực tế những khó khăn vướng mắc trong sản xuất của họ và những gì mà người nông dân thực sự cần. Thực tế ở đây là nhiều máy móc của nước ngoài nhập khẩu về cũng không phù hợp với đặc thù cánh đồng của nước ta, với tập quán canh tác của bà con các vùng ở nước ta nên khó áp dụng hiệu quả được. Chính vì vậy, sản phẩm của chúng tôi luôn bám sát với thực tế, có sự khảo sát thực tiễn cũng như tập quán canh tác, sản xuất của bà con nông dân ở từng địa phương” – anh Tạ Đình Huy chia sẻ.
 
Vận động viên Dương Thúy Vi (sinh năm 1993) - Đội tuyển wushu Hà Nội, Quốc gia: Nỗ lực mang vinh quang về cho Tổ quốc
 
Vận động viên Dương Thúy Vi
 
Vừa trở về Việt Nam cách đây 2 ngày sau khi tham gia Giải vô địch thế giới lần thứ 14 tổ chức tại CH Liên bang Nga. Tại đây, vận động viên Dương Thúy Vi đã dành được Huy chương Vàng nội dung Thương thuật nữ. Vốn là một cô gái có thể trạng yếu, Dương Thúy Vi chia sẻ: “Suốt 17 năm qua, từ khi bước vào con đường tập luyện chuyên nghiệp, đó là một chặng đường rất dài với cá nhân tôi. Nhất là với thể thao, ngoài những thành tích, những tấm huy chương còn là những chuyến đi xa nhà dài ngày, những chấn thương luôn luôn song hành. Vì thế, để đi đến được thành công như ngày hôm nay, đằng sau mỗi tấm huy chương là công lao từ sự dạy dỗ, quan tâm của gia đình, bố mẹ, của các thầy cô giáo, sự gắn bó giữa các vận động viên hay sự đầu tư, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo mà hơn thế nữa, còn là quyết tâm, khát vọng, là sự ao ước chiến thắng. Khát vọng muốn được đứng lên đỉnh cao nhất trong môn thể thao mà mình thi đấu ở mỗi giải đấu, muốn được nghe Quốc ca Việt Nam vang lên, lá Quốc kỳ Việt Nam kéo lên cao nhất luôn là động lực thúc đẩy tôi cũng như các vận động viện vươn lên, dành chiến thắng và mang vinh quang về cho Tổ quốc”.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t