Giám sát thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm (15:11 08/08/2017)


HNP - Sáng 8/8, đoàn giám sát do đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm  Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn đầu, đã làm việc với UBND TP Hà Nội về “Việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2016” tại TP Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã tiếp đoàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị


Theo báo cáo, hệ thống các văn bản trong thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2016 đã đảm bảo tính cấp thiết, kịp thời, đồng bộ và thống nhất. Việc thực hiện luật đã làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, việc xử phạt trong phòng, chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS khó thực thi do chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể. Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa đảm bảo tính khả thi trong thực tế...
 
Tình hình dịch HIV/AIDS ở Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn dịch tập trung, nhóm nguy cơ cao nhất là người nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Giai đoạn 2011 - 2015, số phòng tư vấn, xét nghiệm HIV giảm từ 29 phòng xuống còn 18 phòng. Tuy vậy, số lượt khách hàng được tiếp cận dịch vụ tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2005 - 2010. Tổng khách hàng được tư vấn, xét nghiệm tự nguyện là 133.957 lượt, tăng 60.741 lượt người so với giai đoạn trước; trong đó, 131.555 khách hàng đồng ý xét nghiệm HIV, kết quả dương tính là 5.256 lượt người.
 
Tội phạm mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng chất ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2011 đến năm 2016, đã phát hiện, bắt giữ 7.308 vụ, 9.151 đối tượng, thu giữ gần 300kg ma túy tổng hợp. Về tụ điểm ma túy, từ năm 2011 đến nay không phát sinh tụ điểm mới, phát sinh mới 15 điểm. Cơ quan chức năng đã đấu tranh, triệt xóa, loại được 2 tụ điểm, 37 điểm phức tạp. Đến năm 2016, toàn Thành phố còn 6 điểm phức tạp về ma túy. 
 
Cuối năm 2011, Hà Nội có 20.852 người nghiện ma túy có trong danh sách quản lý. Đến tháng 11/2016, có 12.803 người nghiện và sử dụng ma túy dòng Opiat. Giai đoạn 2011 - 2016, đã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 315 người. Tính đến cuối tháng 6/2017, toàn Thành phố có 18 cơ sở điều trị Methadone với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 4.667 bệnh nhân. Các cơ sở cai nghiện bắt buộc của Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý và chữa trị cho 9.395 lượt người vào cai nghiện. 
 
Trưởng đoàn giám sát Đặng Thuần Phong kết luận
 
Tệ nạn mại dâm ở Hà Nội chủ yếu tồn tại ở 2 hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và mại dâm tại địa bàn công cộng. Đặc biệt, hình thức mại dâm sử dụng Internet thông qua facebook, zalo... diễn biến phức tạp, rất khó xử lý. Công tác đấu tranh, triệt xóa các vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm được thực hiện thường xuyên. Tổng số vụ bắt giữ là 1.402 vụ, 6.373 đối tượng. Năm 2011, Hà Nội có 33 tụ điểm hoạt động mại dâm, qua các năm đã triệt phá được 27 tụ điểm, hiện còn 6 tụ điểm mại dâm công cộng...
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tiếp thu những ý kiến của đoàn giám sát. Đồng thời, đề nghị cơ quan thường trực TP Hà Nội hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát. Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng kiến nghị, Trung ương cần mạnh dạn hơn, làm thực chất hơn công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS, tránh bệnh thành tích. Theo lãnh đạo TP Hà Nội, cần có cơ chế chi cho công tác phòng; nhất là chi cho các đội tình nguyện viên, các đoàn thể xã hội, đồng thời khen thưởng kịp thời... Trong công tác phòng chống ma túy, còn nhiều thách thức nên cần có những cơ chế đặc thù, đặc biệt là những đối tượng nghiện ma túy, ma túy tổng hợp; quản lý sau cai nghiện; bên cạnh việc tuyên truyền, vận động cũng cần chế tài xử lý nghiêm khắc...
 
Kết luận tại hội nghị, trưởng đoàn giám sát Đặng Thuần Phong đánh giá cao sự nỗ lực của TP Hà Nội trong “Việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2016”. Thời gian tới, đồng chí đề nghị Thành phố nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp, ủy đảng. Ngoài nguồn lực của Thành phố, cần vận dụng cơ chế theo dõi, quản lý sau cai, tạo sinh kế cho các đối tượng. Chú trọng truyền thông đến những đối tượng đặc biệt; tiếp tục nhân rộng mô hình cai nghiện điểm có hiệu quả... Trưởng đoàn giám sát cũng ghi nhận những kiến nghị liên quan và có tính đóng góp của TP Hà Nội…
 
Trước đó, ngày 7/8, đoàn giám sát do đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND quận Long Biên và Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội số III (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t