Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 (20:48 17/05/2017)


HNP - Sáng 17/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Cùng tham dự hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương; đại diện trên 1500 DN trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017


Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị. Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các sở, ngành của TP; lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã; cùng đại diện các DN trên địa bàn Thủ đô.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tinh thần của Hội nghị là thẳng thắn, chân thành và xây dựng. Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng. “Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng hiểu rằng, đó chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội

Báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết:  việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã có tác động tích cực đến số lượng DN thành lập mới, đầu tư nước ngoài trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017; góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu đề ra của Nghị quyết. Trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số DN quay trở lại hoạt động tăng 24,1%. Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng DN đăng ký thành lập mới là 39.580 DN với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số DN và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ. Số DN quay trở lại hoạt động đạt 11.545 DN, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính đến 20/4/2017, cả nước có khoảng 612 ngàn DN đang hoạt động.
 
Về đầu tư nước ngoài, tính đến 31/12/2016, cả nước có 2.613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước có 1.249 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,56 tỷ USD, tăng 36,1% về số dự án và bằng 84,4% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ. Có 5.970 DN, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 4,51 tỷ USD. Tính luỹ kế đến ngày 20/04/2017, cả nước có 23.272 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 302,64 tỷ USD.
 
Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, các con số nêu trên minh chứng cho niềm tin của DN trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. Theo Bộ trưởng, kết quả đầu tiên và quan trọng nhất được hầu hết các DN, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là Nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng DN, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển; coi DN là động lực phát triển kinh tế. Sau gần một năm triển khai thực hiện, bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN.
 
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội DN, DN đã phát biểu hiến kế, cũng như đưa ra các kiến nghị; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp trao đổi, thảo luận với DN để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, thời gian qua, chính quyền thành phố đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng hành cùng DN. Cụ thể, như tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 6/2016 để lắng nghe các ý kiến của DN, trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ cho DN; rà soát lại tất cả TTHC của các sở, ban, ngành, trên cơ sở đó mạnh dạn cắt giảm, thu gọn TTHC, có sở, ban, ngành đã cắt giảm 60% thủ tục. Thành phố đã xây dựng và tin học hóa để tăng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, và hiện nay, việc đăng ký thành lập DN qua mạng đã đạt 70%. Thành phố cũng tổ chức hội nghị liên kết các vùng để tạo điều kiện cho các DN liên kết tiêu thụ hàng hóa; tổ chức kết nối ngân hàng và DN để tiếp cận các nguồn vốn; thường xuyên tổ chức gặp gỡ DN trong và ngoài nước để lắng nghe vướng mắc khó khăn, từ đó tập trung tháo gỡ cho DN. 
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức hỗ trợ cho các DN trong các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước. Tổ chức đào tạo kiến thức cho chủ các DN liên quan kiến thức quản trị DN và quản lý về tài chính. TP cũng tổ chức chấn chỉnh tư thế tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với tinh thần lấy DN, người dân là đối tượng phục vụ. Đặc biệt, năm 2017 là năm kỷ cương hành chính, Hà Nội đã xây dựng và ban hành các bộ quy chế làm cơ sở đánh giá sự hài lòng của người dân và DN để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức và sự hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành của TP. Tập trung sắp xếp lại toàn bộ các sở, ban, ngành và các đơn vị DN công ích trên địa bàn trên tinh thần thu gọn đầu mối, thu gọn các chức năng nhiệm vụ của các sở khi trùng nhau. Hà Nội cũng chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành của Trung ương cũng như VCCI để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. 
 
Cũng tại hội nghị, với tinh thần thực hiện thông điệp của Chính phủ, đại diện cho chính quyền TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định và cam kết cùng với quyết tâm đổi mới sâu sắc, Hà Nội sẽ hành động vì DN, xây dựng chính quyền phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Để đạt mục tiêu này, TP Hà Nội tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại giữa chính quyền và DN, kịp thời nắm bắt và giải quyết ngày một hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho các DN. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Thực hiện tốt năm kỷ cương hành chính, chuyển biến căn bản để xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng TP thông minh, số hóa đồng bộ dữ liệu của các sở, ngành, quận, huyện, hoàn thành xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu cốt lõi về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tư pháp, hộ tịch, cán bộ, công chức, hoàn thành hệ thống Một cửa điện tử và ba cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tỷ lệ cấp dịch vụ công trực tuyến từ 40% trở lên ngay trong năm 2017, hướng đến 2020 là 90% trở lên. Đồng hành hỗ trợ DN để tiếp cận thị trường, nguồn lực đầu tư như đất đai, nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao, công nghệ phù hợp với cam kết quốc tế; hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, thực hiện công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu….
 
Kết luận hội nghị, trước những ý kiến của DN về việc thanh tra, kiểm tra chồng chất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng và Chỉ thị này đã được ký ngay sau khi hội nghị kết thúc. Thủ tướng mong các nhà đầu tư, các DN yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.
 
Theo Thủ tướng, chúng ta đạt kết quả bước đầu đáng được động viên, khích lệ với các tỉnh, các thành viên Chính phủ. Nhưng chúng ta cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển của DN, hiệp hội DN. Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này, những điểm cơ bản các DN, các hiệp hội DN đã nêu ra tại hội nghị này. Thủ tướng đề nghị DN, các hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách để chúng ta có môi trường tốt hơn, phải phấn đấu đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư thông qua thể chế và chính sách. 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng cho biết, Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt sau: Một là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các việc làm cụ thể;  Thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Ngoài ra, theo Thủ tướng, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam gắn với nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, giá thành...  và nếu bỏ qua thị trường này là chúng ta đã thất bại. Đặc biệt, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của nhà nước và của DN để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. Để giải quyết những vấn đề đó, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các DN, doanh nhân của chúng ta đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định. 
 
Nhân đây, Thủ tướng Chính phủ cũng mong DN cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Nhấn mạnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng DN yếu kém, trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho DN phát triển; phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, là tạo điều kiện cho các DN, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t