Tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 (15:10 20/04/2017)


HNP - Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới, đảm bảo không thấp hơn so với dự toán được giao; Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo tiền đề phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách nhà nước.

Chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 được giao trên địa bàn và tăng 14-16% so với số thực hiện thu năm 2016; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán và tăng 5-7% so với thực hiện năm 2016; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế; thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh.

Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, xử lý vi phạm trong công tác quyết toán dự án hoàn thành.

Điều hành chi trong phạm vi dự toán được giao. Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; lồng ghép các chính sách, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Tổ chức triển khai mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung theo quy định.

Cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên đã có trong dự toán của các bộ, cơ quan và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn tiền lương trong năm 2017, bao gồm cả tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lượng của cơ quan, đơn vị, 50% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2016 theo chế độ; đồng thời, thực hiện điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình, khuyến khích các địa phương tăng nguồn thu để tạo nguồn cải cách tiền lương. Đối với những địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương mà vẫn không cân đối được nguồn,ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí tiền lương tăng thêm năm 2017. Ngân sách Trung ương không hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cho các địa phương có nguồn cải cách tiền lương hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chuyển nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho nhiệm vụ khác trong giai đoạn 2017-2020.

Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công.

Các địa phương chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, tổ chức chi ngân sách theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền thông qua và khả năng thu ngân sách; điều hành chi trong phạm vi dự toán chi được giao và tiến độ một số nguồn thu gắn liền với dự toán chi đầu tư phát triển; phấn đấu tăng thu vượt dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định và chủ động dành nguồn để thực hiện các chính sách Nhà nước đã ban hành, giảm nguồn ngân sách trung ương phải hỗ trợ.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả. Rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định của từng cấp chính quyền địa phương các cấp.

Trường hợp ngân sách địa phương dự kiến bị giảm thu, phải chủ động dành nguồn dự phòng ngân sách địa phương và sử dụng các nguồn tài chính khác của địa phương để bù đắp hoặc phải điều chỉnh để giảm chi tương ứng.


Diệp Liên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t