Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị:


Bài 2: Cần những cơ chế đặc thù, tạo sự chủ động để Thủ đô phát triển (21:24 19/04/2017)


HNP - Trên cơ sở đánh giá toàn diện những kết quả, hạn chế, nguyên nhân sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô cũng như dự báo tình hình thời gian tới, Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để đưa Thủ đô phát triển nhanh và mạnh hơn trong những năm tới.  


Tháo gỡ vướng mắc
 
Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ cần cải tạo, trong đó, có 4 chung cư nguy hiểm cấp độ D. Trong những năm qua, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là việc xây dựng, cải tạo được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hóa, tuy nhiên việc xây dựng phải tuân thủ quy định về chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chính sách hỗ trợ đền bù, tái định cư chưa thống nhất… nên khó thu hút nhà đầu tư.
 
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi: trên địa bàn quận hiện có 120 chung cư cần cải tạo, trong đó, có 5 chung cư tại khu phố cổ thì phải di dời, còn lại khu phố cũ thì thống nhất chủ trương tái định cư tại chỗ, bởi đây cũng là nguyện vọng của các hộ dân. Thế nhưng, nếu 115 chung cư ở khu phố cũ mà chỉ cho xây dựng lại với chiều cao tối đa 9 tầng thì phần diện tích xây mới chỉ đủ cho các hộ dân tái định cư tại chỗ, không có nguồn lực cho nhà đầu tư nên không thể làm được. Chính vì thế, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm đề nghị Thành phố nên mạnh dạn chỉ ra trong số 115 chung cư này, có bao nhiêu chung cư có thể xây dựng cao tầng hơn so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để tái định cư tất cả các hộ dân. Số còn lại xây dựng đúng quy hoạch và phần dôi dư có thể chuyển đổi thành dịch vụ, thương mại.
 
Về hạ tầng giao thông, hiện, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Thành phố mới chỉ đạt dưới 10% diện tích xây dựng đô thị, trong khi tỷ lệ chuẩn là 20-26%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, chưa đến 1%. Để giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, nhất là tại các quận nội thành, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho rằng Thành phố nên tiếp tục kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe cao tầng, sử dụng công nghệ thông minh; nghiên cứu tất cả các vườn hoa để làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại; sửa đổi quy chế quản lý xây dựng khu phố cổ, cho phép làm công trình ngầm trong khu phố cổ ở những nơi có đủ điều kiện và tổ chức kết nối thật tốt giữa khu vực trong đê và ngoài đê để sử dụng hiệu quả quỹ đất ngoài đê phát triển giao thông tĩnh.
 
Theo quy định của Luật Thủ đô, HĐND TP đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết 06/2013/NQ-HĐND, trong đó, quy định tỷ lệ 25% diện tích đất ở, nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha dành để phát triển nhà ở xã hội. Trên thực tế, việc bố trí 25% diện tích đất hoặc 25% diện tích sàn để phát triển nhà ở xã hội trong cùng một dự án nhà ở thương mại là khó thực thi, bởi quy hoạch 2 dự án nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp với nhà ở xã hội khác nhau, không tương thích về hạ tầng kỹ thuật, hơn nữa giá căn hộ, giá dịch vụ cũng rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của đối tượng mua nhà ở xã hội. Do đó, TP Hà Nội đề nghị cho phép chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại nộp bằng tiền đối với phần diện tích 25% để hỗ trợ việc đầu tư các khu nhà ở xã hội tập trung hoặc hỗ trợ các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
 
Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch kiến trúc đối với cải tạo, tái thiết đô thị tại 4 quận nội đô cũ; phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn; quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô để thi hành pháp luật về Thủ đô; sửa đổi Quyết định 86/2010/QĐ-TTg theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ tối đa 50% tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ để đầu tư xây dựng dự án tại cơ sở mới, phần còn lại ngân sách các địa phương được hưởng để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; sửa đổi Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định 140/2008/QĐ-TTg cho phù hợp với Luật Thủ đô, theo đó giao các cơ sở nhà đất sau khi thực hiện sắp xếp cho Thành phố để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo quy hoạch.
 
Ưu tiên nguồn lực cho Thủ đô
 
Hiện nay, nhu cầu đầu tư của Thành phố rất lớn, trong khi nguồn ngân sách Thành phố mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu. Chính vì thế, Hà Nội đề nghị Trung ương xem xét nâng mức dư nợ vay trên tổng số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp (từ 60% lên 70%). Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trên địa bàn như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trường ĐH Quốc gia, đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, mở rộng và nâng cấp cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các dự án di dời các cơ quan đơn vị của Trung ương theo quy hoạch.
 
Thành phố cũng đề nghị Trung ương tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn lực đầu tư (ODA và trái phiếu chính phủ) để đẩy nhanh tiến độ một số dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, như các tuyến đường sắt theo quy hoạch, các cầu qua sông Hồng, các tuyến vành đai 3, 4, 5; các trục giao thông xuyên tâm lớn; dự án tiếp nước từ sông Hồng vào sông Tích và sông Nhuệ để xử lý ô nhiễm môi trường, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Ngoài ra, để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và thực hiện tốt vai trò là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế, TP cũng kiến nghị Trung ương tăng cường phân cấp, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phê duyệt các dự án nhóm A, các dự án có tổng vốn đầu tư trên 5 nghìn tỷ đồng; trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư…; đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế và tinh giản biên chế.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t