Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội tại quận Long Biên (15:44 16/05/2024)


HNP - Ngày 16/5, tại Khu liên cơ quan UBND quận Long Biên, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề: “Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội”.

Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia tại buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách


Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
 
Dự buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Lương Quang Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ Thành phố; Trần Thị Thanh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố; Ngô Mạnh Điềm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên; Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên; Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên;…
 
Đại biểu tham dự Chương trình
 
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, đến gần hơn với CNVCLĐ luôn là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
 
Từ nhiều năm qua, Báo Lao động Thủ đô đã liên tục phối hợp với các Liên đoàn Lao động quận, huyện, các Công đoàn ngành, tổ chức các cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, pháp luật với nội dung liên quan thiết thực tới người lao động; thu hút sự tham gia trực tiếp của hàng nghìn CNVCLĐ và sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
 
Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc Chương trình
 
Thông qua các hoạt động này, CNVCLĐ càng thêm hiểu rõ về vai trò của tổ chức Công đoàn, giúp Công đoàn cơ sở thực sự phát huy được tối đa vai trò và năng lực của mình.
 
Thực tiễn cho thấy, nhu cầu tiếp cận thông tin của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động luôn rất cao, thường xuyên, liên tục. Nhất là khi các quy định của pháp luật lao động, đặc biệt liên quan đến môi trường làm việc, vấn đề lương thưởng, phúc lợi, bảo hiểm xã hội dành cho người lao động thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung.
 
“Tại cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay, chúng tôi mong muốn sẽ đồng hành cùng CNVCLĐ cập nhật những kiến thức mới nhất về pháp luật lao động, công đoàn và bảo hiểm xã hội. Mong rằng, các anh/chị/em tham dự chương trình mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình. Chuyên gia của chúng tôi sẵn sàng giải đáp, chia sẻ”, đồng chí Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
 
Chuyên gia tại buổi Đối thoại - giao lưu
 
Tại Chương trình, các đoàn viên, người lao động đã trực tiếp đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; các chế độ, chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; về Luật Công đoàn và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
 
Trả lời câu hỏi của chị Nguyễn Thị Mai (Trường THCS Ngọc Lâm) về các phụ cấp ưu đãi nghề sẽ thay đổi như thế nào khi cải cách tiền lương, chuyên gia Vũ Minh Huyền cho biết, hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang rất quan tâm đến cải cách tiền lương dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024 tới đây. Nghị quyết 27-NQ/TW nhất quán quan điểm rằng trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương thì đội ngũ nhà giáo và lực lượng y tế sẽ được ưu tiên. Do đó, trong quá trình xây dựng chính sách, thang bảng lương, toàn bộ chế độ với đội ngũ nhà giáo, y tế được ưu đãi hơn so với các ngành nghề khác. Về phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo sẽ không tính ra mục riêng nữa mà sẽ tính chung vào trong tiền lương trả cho người lao động. 
 
Anh Trần Mạnh Tuấn, phường Đức Giang nêu vướng mắc
 
Anh Trần Mạnh Tuấn, phường Đức Giang hỏi “Đơn vị tôi có 1 trường hợp sinh năm 1965, đã đóng bảo hiểm được 20 năm. Nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì doanh nghiệp cần giải quyết như thế nào? Từ 1/7 cải cách tiền lương thì cách tính cụ thể thế nào? Nếu người lao động đã nghỉ hưu nhưng vẫn muốn tiếp tục làm việc thì có được bố trí làm việc tiếp không? Thủ tục, hợp đồng thế nào?”
 
Về câu hỏi của anh Trần Mạnh Tuấn, Chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, 20 năm là thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, tuy nhiên vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Sinh năm 1965 thì vẫn phải đóng BHXH bình thường cho đến tuổi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu doanh nghiệp có thể sử dụng lao động này và sẽ không phải đóng BHXH cho NLĐ này nữa. Tuy nhiên, hợp đồng lao động khi ký với NLĐ đã được nghỉ hưu là loại hợp đồng lao động dành cho người cao tuổi. Doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề này khi làm hợp đồng.
 
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Huy Khánh tặng quà NLĐ tham gia trả lời câu hỏi phần giao lưu.
 
Một số câu hỏi liên quan đến các phụ cấp ưu đãi nghề sẽ thay đổi như thế nào khi cải cách tiền lương?; quy định doanh nghiệp bắt buộc phải ký Thỏa ước lao động tập thể; NLĐ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp nào? NLĐ có được hưởng bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh các bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động không?... cũng đã được các chuyên gia kịp thời giải đáp tại Chương trình. 
 
Tại buổi Đối thoại, các chuyên gia cũng đã trả lời cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ, hiểu kỹ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc; từ đó tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thực thi tốt chính sách pháp luật; đồng thời trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất để phòng tránh các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động.
 
Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Nguyễn Trường Giang phát biểu bế mạc Chương trình
 
Bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Nguyễn Trường Giang cho biết, sau hơn 2 giờ tập trung làm việc liên tục nhiều câu hỏi về những vấn đề liên quan thiết thực đến người lao động như: Công tác An toàn, vệ sinh lao động; đặc biệt là việc nhận diện những vấn đề nổi cộm về BHXH, Luật Lao động… Những tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng của các chuyên gia đã giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.
 
“LĐLĐ quận Long Biên luôn hướng tới cơ sở, hướng về người lao động. Qua chương trình hôm nay LĐLĐ quận mong muốn đoàn viên, người lao động dự hội nghị hãy truyền đạt các kiến thức tiếp thu được tới người thân và bạn bè xung quanh. LĐLĐ quận Long Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp có hiệu quả của các đồng chí để cán bộ, đoàn viên, người lao động yên tâm, tin tưởng với các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, để tiếp tục hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quận Long Biên ngày càng phát triển”, đồng chí Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t