Sơn Tây thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật (15:54 16/03/2023)


HNP - Là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa xứ Đoài, Thị xã Sơn Tây luôn coi trọng quan hệ hợp tác của các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế nhằm quảng bá mạnh mẽ giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật đặc sắc, phong phú của vùng đất cổ cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Đình Mông Phụ điểm di tích thu hút đông đảo du khách đến tham quan làng cổ ở Đường Lâm


Sau 15 năm triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa của Thị xã Sơn Tây có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả và thực chất. Cụ thể, Thị xã Sơn Tây phối hợp với Tạp chí Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch biên soạn cuốn “Cẩm nang du lịch Sơn Tây” với hơn 3.000 bản; xuất bản 2 tập san “Thị xã Sơn Tây - 60 năm xây dựng và phát triển”, “Sơn Tây: Truyền thống - Hiện tại và Tương lai” nhân kỷ niệm 60, 65 năm giải phóng Sơn Tây với 1.100 bản.
 
Ngoài ra, tăng cường đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua các hình thức khác như: in tờ gấp, tờ rơi, ứng dụng công nghệ thông tin (quét mã QR code), liên kết website với các tin, bài giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa, du lịch Sơn Tây, trong đó, có những bài thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật của Sơn Tây trên các báo, đài Trung ương, Thành phố và ngành du lịch. 
 
Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức trên địa bàn nhằm thu hút du khách đến với Thị xã, như: Lễ hội đền Và, lễ giỗ Vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, hội chợ quê, hội thi các sản phẩm truyền thống... Bên cạnh đó, tổ chức thành công chương trình Happy Tết, Năm du lịch Sơn Tây 2022, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây dịp 30/4 - 1/5/2022, Đêm hội trăng rằm Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài, Lễ hội kinh khí cầu Bình minh trên Thành cổ...
 
 
Đáng chú ý, Sơn Tây đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình “Hành trình Di sản” giới thiệu về các di sản văn hóa của Thị xã như di tích, lễ hội, làng nghề, đặc sản truyền thống; phối hợp với Truyền hình Nhân dân xây dựng chương trình “Xứ Đoài miền đất đá ong” giới thiệu về Làng cổ Đường Lâm và các công trình kiến trúc cổ bằng đá ong của Thị xã; phối hợp với Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam xây dựng phóng sự giới thiệu về các điểm du lịch của Thị xã; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng chương trình, phóng sự về các hoạt động văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn, đặc biệt là video clip Về Sơn Tây - Về miền di sản.
 
Ký kết, hợp tác với cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), Trường Đại học Nữ Chiêu Hoà, vùng Idfrance - Cộng hòa Pháp để tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong việc quảng bá, giới thiệu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, sự giúp đỡ tư vấn về kỹ thuật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 
 
Đồng thời, phối hợp với chuyên gia Nhật Bản và các chuyên gia, công ty du lịch hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân phát triển các sản phẩm  thủ công, ẩm thực cung cấp cho du khách; tổ chức mô hình du lịch tham quan, tìm hiểu gắn phát triển các sản phẩm nông nghiệp như: trồng rau, hái chè, bắt cá… thu hút đông đảo du khách tham gia, góp phần tạo những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, Nhật Bản, Thị xã đã từng bước triển khai thực hiện các dự án về bảo tồn và phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân sống trong khu vực di tích. 
 
 
Đăc biệt, Thị xã luôn khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đầu tư các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh… Liên kết vùng, địa phương xây dựng tour, tuyến du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch trong nước, khu vực, như: Thành cổ, đền Và, chùa Mía, đền Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền. Riêng tại Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đang thực hiện các tuyến du lịch đón khách tham quan như: Hành trình di sản (với các điểm tham quan như cổng làng, đình, đền, chùa, lăng...); làng quê Việt Nam (với điểm tham quan là các ngôi nhà cổ, tham gia trải nghiệm nông nghiệp, làm nghề thủ công...). 
 
Thực hiện chương trình tham quan di sản kết hợp nghỉ dưỡng, có sự kết nối với các khu du lịch của huyện Ba Vì. Lượng khách du lịch đến địa bàn Thị xã tăng bình quân từ 5 - 8%, trong đó khách quốc tế chiếm gần 35% (chủ yếu là khách châu Âu, Nhật Bản). Qua các hoạt động du lịch này, việc giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng được đẩy mạnh và mở rộng hơn.
 
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, văn hóa nói chung cũng như lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn học nghệ thuật trong quá trình phát triển, trong thời gian tới, Sơn Tây tiếp tục mở rộng giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước, tranh thủ nguồn tài trợ và giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ làm văn hóa nghệ thuật. Quảng bá, giới thiệu văn hóa nghệ thuật Thị xã thông qua xúc tiến hợp tác văn hóa, phát triển du lịch.

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t