Huyện Gia Lâm: Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới (15:05 07/07/2022)


HNP - Sáng 7/7, UBND huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002, của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.  

Lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong triển khai tín dụng chính sách


Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Gia Lâm Đặng Văn Lâm cho biết: Qua 20 năm, nguồn vốn của NHCSXH Huyện không ngừng tăng trưởng, mức tăng bình quân là 23%, cao nhất là năm 2006 tăng 45%. Đến 30/06/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH huyện Gia Lâm đạt 502.962 triệu đồng, tăng 480.544 triệu đồng (gấp 22,4 lần) so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động, tăng 387.317 triệu đồng (gấp 4,35 lần) so với giai đoạn 10 năm (2003-2012) và tăng 250.763 triệu đồng (gấp 2 lần) so với giai đoạn 15 năm (2003-2017).
 
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, huyện Gia Lâm đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay 12 chương trình với gần 77 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Trong đó, có trên 20 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 9,5 ngàn lượt hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 24 ngàn lao động; giúp cho trên 500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây mới và cải tạo gần 45 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 103 ngôi nhà cho hộ nghèo và 12 căn nhà xã hội; cho vay trả lương ngừng việc tại 4 doanh nghiệp để trả lương cho 320 lượt lao động và cho vay 06 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu tại Hội nghị
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, kết quả đạt được trong triển khai thực hiện TDCS xã hội trên địa bàn Huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. 
 
“Nguồn vốn TDCS đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 10 triệu đồng/người năm 2002 lên hơn 70 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 7 lần so với năm 2002), từ cuối năm 2019 đến nay trên địa bàn Huyện không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo đến cuối năm 2021 giảm còn 0,4%, số lao động có việc làm từ vốn vay chiếm tỷ trọng cao hàng năm, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện”  - đồng chí Nguyễn Đức Hồng nhấn mạnh.
 
 
Phó Giám đốc NHCSXH Thành phố Đào Sỹ Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc NHCSXH Thành phố Đào Sỹ Hải đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tập thể lãnh đạo, cán bộ NHCSXH của huyện Gia Lâm trong triển khai tổ chức thực hiện TDCSXH trên địa bàn. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH Huyện tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về TDCSXH, đặt biệc là Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH; phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện TDCSXH, nhất là vai trò của Chủ tịch UBND các xã; quan tâm dành nguồn lực cho hoạt động TDCSXH, đưa việc bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH Huyện hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng chính sách trên địa bàn vào chương trình, kế hoạch của Huyện.
 
Bên cạnh đó, duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCSXH; nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện TDCSXH; chú trọng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi và hoạt động của NHCSXH để người dân nhận thức và hiểu rõ hơn, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vốn…
 
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đã khen thưởng 03 tập thể và 07 cá nhân; UBND huyện Gia Lâm khen thưởng 23 tập thể và 30 cá nhân của Huyện có nhiều thành tích trong triển khai thực hiện TDCS đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn.

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t