In bài viết
Quay lại

Nét đẹp tượng gỗ Vũ Lăng (16:07 29/03/2011)

HNP - Theo quốc lộ 22 chừng 22km, là đến làng Vũ Lăng thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, một trong những làng nghề điêu khắc tượng gỗ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ. Đến đầu làng du khách đã thấy những đống gỗ mít lớn, nhỏ xếp ngổn ngang, tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục gỗ rộn ràng...


Sản phẩm của Vũ Lăng tham gia trưng bày tại Lễ phật đản chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội


Nghề tạc tượng gỗ xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ XI, trong quá trình phát triển đã có những sản phẩm, công trình chạm khắc tinh xảo được trưng bày tại các đình, chùa, miếu mạo. Theo các cụ cao niên ở làng Vũ Lăng kể lại, không biết nghề tạc tượng ở đây có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết ở chùa Vũ Lăng vẫn còn lưu giữ một số pho tượng cổ có cách đây khoảng 300 - 400 năm tuổi. Cuốn ngọc phả còn lưu giữ ở đình Vũ Lăng ghi chép rằng, những pho tượng cổ này là do chính những người thợ tài hoa của làng làm ra.
Trước năm 1954, cứ vào ngày 13 tháng 8 âm lịch hàng năm, người dân Vũ Lăng lại chuẩn bị lễ cúng tổ nghề, lễ cúng được tiến hành đơn giản, không cầu kỳ, nhưng  thực sự là một hoạt động tôn vinh làng nghề và nhớ về những người đã có công truyền nghề lại cho dân làng. Đến thời kỳ kinh tế thị trường phát triển, nhờ có những chính sách mới, làng nghề đã dần hồi sinh. Có một thời gian, hầu như nhà nào cũng có người đi làm sơn, tạc, tu sửa tượng cho các đình, chùa.
Nghệ nhân Phạm Văn Cường của làng nghề cho biết: Tiêu chí đầu tiên để làm được một bức tượng đẹp, bền, có giá trị phải là khâu chọn gỗ. Người tạc tượng phải biết chọn loại gỗ phù hợp với loại sản phẩm mình sẽ làm ra, như vậy mới đảm bảo độ bền cao. Tạc tượng và đồ thờ phải chọn gỗ mít già, ưu điểm của gỗ này là mềm, không mối mọt, không nứt nẻ mà lại có mùi thơm… Sau khi chọn gỗ phải gắn các mảnh lại với nhau bằng đinh gỗ, sơn ta và mùn cưa, bó lại phủ kín. Sau đó, người thợ sẽ đục nét, đây chính là khâu quan trọng nhất để làm một sản phẩm bởi đó chính là bước tạo hình dáng cho các bức tượng.

Thợ tạc tượng ở đây không chỉ đục theo những khuôn mẫu có sẵn mà phải tính toán chính xác đến từng milimet sao cho bức tượng cân đối, có thần thái. Tượng lớn đòi hỏi người thợ không chỉ khéo léo mà  còn cần có sức khỏe dẻo dai và giàu kinh nghiệm, biết nhìn thớ gỗ để đục cho tượng vừa cân đối lại tiết kiệm được nguyên liệu. Tượng bé lại đòi hỏi phải chính xác đến từng chi tiết. Những tượng cỡ nhỏ thì phần hoàn thiện như “kẹt” (đắp sơn vá tượng) mài, sơn tượng chiếm nhiều thời gian nhất. Cấu trúc đăng đối, hài hòa của bức tượng phải được tính toán theo những công thức có sẵn trong bí quyết làng nghề như nhất diện, phân lưỡng kiên, tọa tứ lập thất…

Ngoài những công thức đó, người thợ đục còn phải rất tài hoa, tỉ mỉ và có tâm yêu nghề. Cái thần toát lên từ bức tượng được biểu hiện thông qua từng chi tiết nhỏ nhất. Vì vậy, người thợ tạc tượng phải khéo léo để cho những nhát đục rơi đúng tâm. Đồng thời, tính toán xem dùng loại đục nào phù hợp với họa tiết, bởi vì muốn đục hoàn chỉnh một sản phẩm phải dùng tới 30 loại đục có kích cỡ khác nhau.
Để làm ra được  những pho tượng có thần thái, uy nghi, đúng như những nguyên mẫu của khách hàng đưa đến thì cần phải mất trên 80 công, có những pho tượng trên 100 công, sau đó là sơn và thếp vàng, bạc mất hàng trăm công nữa mới hoàn thành.
Sản phẩm tượng gỗ Vũ Lăng ngày nay có mặt ở khắp các đình, chùa, miếu mạo của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... ngoài ra, còn được xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan và được các bạn hàng rất ưa chuộng.

Trường Giang