Tại hội nghị, Tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin về thực trạng tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam và thế giới; nguyên nhân, các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó, có vai trò của cha mẹ trong việc giám sát trẻ, xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ… Đặc biệt, khi mùa Hè đang đến gần, vấn đề phòng, chống đuối nước và xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ được gia đình và xã hội đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, tai nạn thương tích trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia và mọi khu vực, phổ biến là: Ngã, tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng… Tai nạn thương tích ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của các em, mang lại nỗi đau khôn nguôi cho mỗi gia đình. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 465.302 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, mỗi ngày có 1.274 trẻ tử vong.
Ngoài ra, mỗi năm, thế giới có hàng chục triệu trẻ em khác bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em đã giảm, từ 260.000 em năm 2010 xuống còn 160.000 em năm 2020. Tử vong do tai nạn thương tích cũng đã giảm từ 6.600 em năm 2010 xuống còn 4.000 em năm 2020. Tuy vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vẫn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương.
Qua buổi tập huấn, đội ngũ cán bộ hội được trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cũng như vận động từng hộ gia đình quan tâm thực hiện việc phòng, chống tai nạn thương tích, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho trẻ em.