Giám sát việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Chương Mỹ (22:00 16/03/2023)


HNP - Chiều 16/3, Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát tại huyện Chương Mỹ về việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐNND Thành phố phát biểu tại buổi làm việc


Theo báo cáo của UBND huyện, giai đoạn 2019-2022, là giai đoạn có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và ngành nông nghiệp huyện Chương Mỹ nói riêng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế. Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 3 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Thủy Xuân Tiên, Đồng Phú, Hợp Đồng); Năm 2022, huyện có thêm 2 xã (Lam Điền, Quảng Bị) đã được Hội đồng thẩm định của Thành phố thẩm định đủ điều kiện để trình Thành phố xem xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
 
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung (lúa, rau, cây ăn quả, chè; hình 5 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm; 7 xã có khu chăn nuôi tập trung với diện tích 114,8ha...). Ngành nông nghiệp huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực như rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao tỷ trọng ngành nông nghiệp; hoàn thành xây dựng phát triển nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm gồm: Bưởi Chương Mỹ; Gạo hữu cơ Đồng Phú và Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ, Rau an toàn Chúc Sơn, Bưởi Nam Phương Tiến.
 
Thành viên Đoàn giám sát trao đổi tại buổi làm việc
 
Thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội: Trên địa bàn huyện có 95 làng có làng nghề, trong đó, 35 làng ở 16 xã đã được UBND Thành phố công nhận (sản xuất hàng mây tre xuất khẩu; sản xuất hàng mộc; sản xuất nón lá; điêu khắc...).
 
UBND huyện đã phê duyệt 6 phương án bảo vệ môi trường làng nghề và đang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường đối với 19/25 làng nghề còn lại. Hiện nay, các cơ sở trong làng nghề chủ yếu quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã có làng nghề thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề; thường xuyên tuyên truyền tới các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp để đảm bảo môi trường, ký cam kết bảo vệ môi trường; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
 
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song lãnh đạo huyện cũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc như: Một số làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Chương Mỹ đang hoạt động một cách cầm chừng, chưa thật sự hiệu quả và đang đứng trước nguy cơ mai một; các làng nghề nông thôn hoạt động còn thiếu sự liên kết, thiếu đầu tư máy móc, kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm đơn điệu; ô nhiễm môi trường làng nghề làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; một bộ phận lao động trong các làng nghề chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, lao động trong các làng nghề chủ yếu là người lớn tuổi, nguy cơ mai một nghề truyền thống ngày càng cao; các làng nghề chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề; khó tiếp cận vốn ưu đãi do quy định về đất đai chưa cởi mở...
 
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Hoa trao đổi làm rõ thêm một số nộ dung đoàn giám sát quan tâm
 
Từ thực tiễn đó, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện đầu tư các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, thuỷ lợi, Điện, giáo dục, văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch Chương trình 04 của Thành uỷ Hà Nội (huyện Chương Mỹ 8 xã nâng cao, 4 xã kiểu mẫu). Đặc biệt hỗ trợ đối với các xã về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
 
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện các dự án nước sạch trên địa bàn huyện Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch trên trên địa bàn để đảm bảo các xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung...
 
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận, huyện Chương Mỹ đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh; HĐND huyện, các ban HĐND huyện đã tổ chức nhiều đợt giám sát…qua đó đã đạt được nhiều kết quả khả quan. 
 
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đề nghị huyện làm rõ thêm một số nội dung về chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; làm rõ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố; công tác phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện...
 
Đồng tình với những khó khăn, vướng mắc huyện nêu tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cho biết, qua ghi nhận tại buổi làm việc cho thấy có những khó khăn ngay trong nội dung các chính sách do chưa sát với thực tế, khó khăn do hướng dẫn của các sở, ngành còn chưa cụ thể, trong thực tiễn triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề nghị huyện Chương Mỹ sớm hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong từng cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện để đoàn tổng hợp, đưa vào nội dung sửa đổi chính sách của Thành phố trong thời gian tới.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t