HĐND thành phố Hà Nội: Giám sát chặt chẽ để nghị quyết đi vào cuộc sống (12:44 18/09/2017)


HNP - Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 49 nghị quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống, HĐND thành phố thường xuyên giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai để các nghị quyết phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn, bảo đảm thực hiện tốt chức năng quyết định của mình.

Phối hợp thẩm tra tốt

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND thành phố Hà Nội về ban hành nghị quyết và hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay cuối tháng 8 vừa qua đều khẳng định, HĐND thành phố Hà Nội thực hiện tốt chức năng quyết định, giám sát và chức năng đại diện của HĐND. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND với UBND và các cơ quan chủ trì soạn thảo.Vì thế, các nghị quyết ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, có ảnh hưởng trực tiếp cả trước mắt cũng như lâu dài tới quá trình phát triển kinh tế  - xã hội của Thủ đô.

Bám sát hoạt động thực tiễn cho thấy, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTTQ thành phố đều tổ chức họp để thống nhất nội dung và các nghị quyết dự kiến thông qua, báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương. Những nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan thực hiện theo đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, những nghị quyết có nhiều nội dung quan trọng, hoặc những nghị quyết chuyên đề, ngoài việc yêu cầu cơ quan chủ trì báo cáo cụ thể và đề nghị Ủy ban MTTQ có ý kiến phản biện, Thường trực, các ban HĐND còn tổ chức khảo sát thực tế, hoặc tiếp xúc cử tri để lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý để hiểu rõ hơn tình hình thực tế, đồng thời tổ chức thảo luận, trao đổi sâu sắc, toàn diện trước khi quyết định.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, so với trước đây, hiện tại, việc ban hành nghị quyết của HĐND thành phố có chặt chẽ hơn. Thời điểm trước, các Ban chuyên môn của HĐND thành phố chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung, Văn phòng HĐND thành phố chịu trách nhiệm thẩm tra về hình thức văn bản. Qua các bước thẩm tra, trên sơ sở ý kiến đóng góp của UBND trong quá trình chuẩn bị; tổng hợp ý kiến tại hội trường của kỳ họp… Chủ tịch HĐND thành phố mới ký ban hành nghị quyết. Hiện nay, ngoài những quy trình trên, việc thẩm tra nghị quyết trước khi ban hành được nâng lên một bước, thêm quy trình Ban Pháp chế HĐND thành phố rà lại khâu cuối cùng về nội dung, căn cứ, hình thức văn bản trước khi Chủ tịch HĐND thành phố ký ban hành nghị quyết.

Đơn cử ngay sau kỳ họp thứ tư HĐND thành phố khóa XV, HĐND thành phố đã ký ban hành một số nghị quyết quan trọng, trong đó nhiều nghị quyết được lấy ý kiến rộng rãi trên các Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội, thẩm tra kỹ lưỡng và có tác động sâu sắc đến đời sống xã hội như: Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2017 của thành phố Hà Nội; Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố…

Giám sát sâu

Ngoài chức năng giám sát trực tiếp tại các kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội còn thực hiện tốt chức năng giám sát theo chuyên đề. Đây là khâu quan trọng, nhằm bám sát, theo dõi việc triển khai thực hiện nghị quyết, tiếp nhận những bất cập nếu có để xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND thường trực HĐND thành phố tổ chức 4 cuộc giám sát lớn theo nghị quyết; các ban HĐND thành phố tổ chức 34 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề. Các cuộc giám sát được chỉ đạo chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trước khi triển khai; tài liệu các nội dung liên quan đến giám sát được tổng hợp gửi tới các thành viên đoàn giám sát để nghiên cứu, cung cấp thông tin. Bên cạnh các hoạt đông giám sát theo kế hoạch, các Ban HĐND thành phố còn chủ động giám sát qua báo cáo, tổ chức các cuộc khảo sát trực tiếp đối với những vụ việc thông tin bức xúc được phản ánh qua báo chí theo lĩnh vực phụ trách. “Các cuộc giám sát, khảo sát đều được HĐND thành phố xây dựng kế hoạch ngay từ đầu, lựa chọn đơn vị giám sát đảm bảo được tính đại diện, hạn chế sự trùng lặp, hiệu quả”. Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định rằng, Thường trực và các ban HĐND thành phố đã thực hiện giám sát có chiều sâu, trọng tâm, trong điểm và trúng vào những vấn đề bức xúc của thực tiễn, được cử tri quan tâm. Sau giám sát, các kết luận có chất lượng, chỉ ra những khó khăn cần tháo gỡ, những mặt hạn chế, yếu kém và đề xuất các giải pháp khắc phục; UBND thành phố và các cơ quan có liên quan tiếp thu, triển khai thực hiện, được cử tri và nhân dân theo dõi, đồng tình, ủng hộ.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t