HĐND TP làm việc với Sở GD&ĐT về quy hoạch hệ thống giáo dục (19:12 19/05/2017)


HNP - Sáng 19/5, đoàn giám sát thường trực HĐND TP, do đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự buổi làm việc có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận


Hiện, Hà Nội có 2.669 trường học, 5.839 nhóm lớp, 1.814. 651 học sinh, 104.605 giáo viên các cấp học. Về tiêu chí phát triển các cấp học, giáo dục mầm non có 5 tiêu chí và 8 tiêu chuẩn, trong đó, có 2 tiêu chí và 5 tiêu chuẩn hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia chưa hoàn thành chỉ tiêu; 2 tiêu chí tỷ lệ đạt chuẩn phát triển và giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng chưa rõ ràng và cách đánh giá. Giáo dục Tiểu học có 4 tiêu chí đạt được 3 tiêu chí và 1 tiêu chí giảm về số học sinh/lớp chưa đạt. Giáo dục THCS có 4 tiêu chí đạt được 2 tiêu chí và 2 tiêu chí về giảm về số học sinh/lớp và tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt. Giáo dục THPT có 3 tiêu chí đạt được 1 tiêu chí và 2 tiêu chí về giảm về số học sinh/lớp và tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia chưa đạt yêu cầu.
 
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số trường Mầm non và trường phổ thông còn thiếu 314 trường công lập. Về cơ bản mỗi xã, phường, thị trấn đều có ít nhất 1 trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập. Riêng trường THPT được phân bổ theo nguyên tắc 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT công lập. Ở cấp Mầm non, đã đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi theo tiêu chuẩn phổ cập, đến năm 2020 còn thiếu 166 trường. Với học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt trên 99%; Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 năm 2015. Cấp học THCS, Thành phố tiếp tục duy trì kết quả phổ cập và tiến tới phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi. Cấp THPT, năm 2017,  thực hiện Quy hoạch được 4/20 trường công lập thành lập và xây mới, hoàn thành 20% chỉ tiêu quy hoạch.
 
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, qua báo cáo cho thấy, các chỉ tiêu về quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục các cấp của Hà Nội cơ bản đạt trên 50%. Với 3 mục tiêu cụ thể là: tiếp tục dẫn đầu về quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo; tiếp cận giáo dục và đào tạo của quốc tế (nhiều trường có tầm cỡ sánh với quốc tế, triển khai đề án ngoại ngữ đến năm 2020…); đầu tư cơ sở vật chất kiên cố hóa và hiện đại hóa… Tuy nhiên, vẫn còn bất cập trong quá trình triển khai, một số chỉ tiêu chưa hoàn thành so với kế hoạch đề ra. Quỹ đất trong nội đô và các khu đô thị để xây dựng trường học còn thiếu. Đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên tăng nhanh trong thời gian qua. Số lớp trên/trường và số học sinh/lớp còn cao. Vẫn còn trường phòng học cấp 4, phòng học tạm, phòng học ngoài đê thiếu kiên cố… Lãnh đạo UBND TP đã kiến nghị HĐND Thành phố ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục các cấp; có những cơ chế đặc thù đối với công tác xây dựng, cải tạo trường trong khu dân cư cũng như tăng cường công tác xã hội hóa nhất là liên quan đến việc xác định giữa trường công lập và ngoài công lập.
 
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục các cấp đã tạo được sự chủ động, sắp xếp quỹ đất, nguồn lực và dự báo trước cho công tác đầu tư phát triển giáo dục. UBND Thành phố, các cấp, ngành và quận, huyện đã có sự vào cuộc quyết liệt và sự chỉ đạo nghiêm túc. Ngoài những tồn tại ngành GD&ĐT đã nêu, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng chỉ ra thêm những hạn chế, trong đó, đáng kể là sự gia tăng dân số không đồng đều ở các đơn vị quận, huyện, thị xã. Do đó, quy hoạch và thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân trên địa bàn Thành phố… 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề nghị UBND TP chủ trì, chỉ đạo tất cả các ngành, cấp và đơn vị rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp xuất phát từ thực tiễn yêu cầu và định hướng phát triển. Cùng với đó, rà soát trách nhiệm của từng ngành trong việc thực hiện quy hoạch. Đồng chí cũng đề nghị các sở, ngành có sự điều chỉnh, giải trình những điểm còn thừa, thiếu trường lớp… báo cáo về HĐND để tổng hợp trong thời gian tới.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t