Giám sát tại huyện Ba Vì, quận Hà Đông về thực hiện Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND TP (05:23 10/05/2017)


HNP - Sáng 9/5, Đoàn giám sát số 2 HĐND TP Hà Nội, do đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Ba Vì, về thực hiện Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND TP về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận buổi giám sát tại huyện Ba Vì


Hiện nay, huyện Ba Vì có 121 trường học, trong đó, có 41 trường mầm non, 36 trường tiểu học, 33 trường THCS, 2 trường PTCS, 8 trường THPT và 1 Trung tâm GDNN - GDTX (tăng 6 trường do tách trường và tăng 1 trường THPT thành lập mới so với trước khi có Nghị quyết).
 
Về phát triển giáo dục mầm non, giai đoạn 2012 - 2016, huyện đã tách 5 trường mầm non, nâng tổng số trường mầm non hiện nay là 41 trường. Kế hoạch đến năm 2020 tăng thêm 3 trường công lập, năm 2030 tăng thêm 4 trường do tách trường. Quy mô trung bình 15 nhóm lớp/trường, 30 học sinh trên lớp, diện tích đất tối thiểu 12m2/học sinh, đáp ứng theo các chỉ tiêu Nghị quyết giao; Giáo dục tiểu học, toàn huyện có 36 trường công lập/31 xã, thị trấn. Kế hoạch đến 2020 tăng thêm 4 trường công lập, đến 2030 tăng thêm 3 trường do tách trường. Quy mô trung bình 21 lớp/trường, 32 học sinh/lớp, diện tích đất tối thiểu 12,7m2/học sinh, đáp ứng các chỉ tiêu Nghị quyết; Giáo dục THCS có quy mô ổn định, tổng số 35 trường công lập/31 xã, thị trấn. Quy mô trung bình 13 lớp/trường, 34 học sinh/lớp, diện tích đất tối thiểu 13,2m2/học sinh, đáp ứng các chỉ tiêu Nghị quyết.
 
Tuy nhiên, trong việc thực hiện Nghị quyết, huyện còn gặp nhiều hạn chế, còn 10/18 chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết của HĐND TP. Chất lượng giáo dục toàn diện và tỷ lệ cháu mầm non ra lớp so mặt bằng chung Thành phố còn thấp. Chất lượng đại trà về văn hóa giáo dục phổ thông còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học, nhất là THCS còn rất thấp so với mặt bằng chung TP. Số phòng học đủ để dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, mầm non còn thiếu, nhiều phòng học xuống cấp chưa được thay thế. Hầu hết các trường mới đủ phòng học thông thường, thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn; đồ dùng, thiết bị dạy học trong trường còn thiếu…
 
Bên cạnh đó, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia khá thấp, chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết. So với tiêu chí trường chuẩn quốc gia, hiện nay một số trường không đủ diện tích đất. Nhiều trường đã đạt chuẩn giai đoạn trước đến nay không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nên không đạt chuẩn trong giai đoạn mới.
 
Lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục bám sát vào quy hoạch trường lớp đã được phê duyệt để thực hiện đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch, từ đó xác định nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từng giai đoạn. Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất và thiết bị trường học, xác định nhu cầu của từng trường, từng cấp bậc học; tập trung xây dựng cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì đề nghị Thành phố tăng cường công tác đầu tư, bố trí ngân sách xây mới và nâng cấp các trường học để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn huyện.
 
* Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát số 2 đã giám sát tại quận Hà Đông. Năm 2011, UBND quận Hà Đông đã có quyết định phê duyệt mạng lưới trường học bậc phổ thông và mầm non trên địa bàn quận đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Sau 5 năm thực hiện Đề án, quận đã đầu tư xây mới và mở rộng được 52 trường học công lập trong đó có 30 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 9 trường THCS. 
 
Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận trong buổi giám sát tại quận Hà Đông
 
Hiện nay, cấp mầm non, mỗi phường đã có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 100% các trường không quá 20 nhóm lớp/trường, số trẻ trung bình toàn quận 37 học sinh/nhóm lớp. Cấp tiểu học, tất cả các phường đều có 1 trường tiểu học công lập trở lên, 19/24 trường không quá 30 lớp/trường, số học sinh trung bình toàn quận 47 học sinh/lớp, diện tích đất trung bình khoảng 5,5m2/học sinh. Cấp THCS, 15/17 phường có 1 trường THCS công lập, tất cả các trường đều không quá 45 lớp/trường, số học sinh trung bình 40,3 học sinh/lớp, diện tích trung bình khoảng 5,7m2/học sinh.
 
Đến nay, 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn quận đạt chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý giáo dục cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học trở lên, 94% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, 81,6% đạt trên chuẩn.
 
Trong việc phát triển Quy hoạch giáo dục trên địa bàn quận Hà Đông hiện nay còn gặp một số khó khăn như: sự gia tăng dân số cơ học quá nhanh gây ra áp lực lớn về hạ tầng xã hội trong đó có trường học. Trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa đồng đều giữa các trường. Một số cán bộ quản lý còn hạn chế trong việc xây dựng các kế hoạch phát triển giáo dục mang tính lâu dài. Chất lượng học sinh có sự chênh lệch lớn giữa các trường trong quận…
 
Để đẩy mạnh việc phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn, quận Hà Đông đề nghị Thành phố hỗ trợ công tác thực hiện về thủ tục GPMB để quận thực hiện tốt Đề án phát triển giáo dục. Hàng năm, cân đối bổ sung ngân sách đảm bảo lương, các khoản đóng góp theo lương trên số biên chế sự nghiệp giáo dục tăng thêm. Bên cạnh đó, quan tâm hơn việc bố trí cơ sở vật chất, chống xuống cấp tại các trường học.
 
Kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Ba Vì, quận Hà Đông trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND TP, qua đó tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch và phát triển giáo dục trên địa bàn.
 
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị huyện Ba Vì, quận Hà Đông cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển hệ thống giáo dục; Bố trí đủ số lượng giáo viên đạt chuẩn, số cán bộ, nhân viên theo quy định. Đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định hiện hành; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư các phần mềm ứng dụng trong quản lý giáo dục. 
 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác XHH giáo dục, tạo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phát huy nguồn lực trong nhân dân để đóng góp xây dựng nhà trường. Xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học, tập trung nguồn lực, giao đúng, đủ, kịp thời kinh phí cho các trường học để nhà trường chủ động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất và thiết bị trường học, xác định nhu cầu của từng trường, từng bậc, từng cấp học; rà soát, bổ sung quy hoạch tập trung đầu tư xây dựng CSVC cho các trường trong đề án theo hướng đồng bộ, hiện đại.
 
Riêng đối với quận Hà Đông phải chú trọng xây dựng trường mầm non, tiểu học THCS trong các khu đô thị mới và khu công nghiệp, quản lý tốt việc hình thành các nhóm mầm non trên địa bàn.
 
Trưởng đoàn giám sát cũng yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng trường học trên địa bàn huyện Ba Vì, quận Hà Đông. Sở GD&ĐT làm rõ việc xây dựng đầu tư trường công lập và dân lập trên địa bàn hai đơn vị, mức trần kinh phí đóng góp ở trường dân lập. Các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát các nội dung mình phụ trách, thực hiện tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển hệ thống giáo dục.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t