Ban hành chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (16:09 11/09/2017)


HNP - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Theo chương trình đề ra, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội phấn đấu mục tiêu Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô nhanh và bền vững.

Phát triển kinh tế tư nhân bền vững về cả mặt số lượng và chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành mô hình doanh nghiệp hiện đại, gắn kết vào mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị quốc tế; tạo dựng và phát triển các sản phẩm có thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp, tập đoàn mạnh, các cụm ngành có lợi thế cạnh tranh của Thủ đô. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu thành lập mới 200.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng tnrởng chung của nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tạo môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh bình đẳng để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế; Xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu hoàn thiện một bước đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Cơ bản bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tiến hành cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và xã hội thủ đô và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8,5% - 9%; cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Dịch vụ: 61-62%; Công nghiệp - xây dựng: 35-36,5%; Nông nghiệp 2,5-3,0%.

Cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020 của thành phố Hà Nội trên cơ sở các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực; phấn đấu hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào năm 2019, hoàn thành công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn vào năm 2018.

Rà soát, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo hướng tập trung, tinh gọn và có hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2030, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, trình độ công nghệ, kỹ thuật hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t