Làng gốm cổ nhất (12:44 14/12/2009)


HNP - Xã Kim Lan nay thuộc huyện Gia Lâm, nằm sát cạnh xã Bát Tràng. Từ lâu lắm rồi, chỉ có Bát Tràng là có nghề gốm sứ. Khoảng chục năm trở lại đây, nghề này tỏa ra xung quanh, trong đó có Kim Lan.

Nhưng mới đây dó phát hiện một số cổ vật gốm sứ ở Kim Lan nên có người cho rằng Kim Lan có nghề làm gốm trước cả Bát Tràng. Theo truyền thuyết thì nghề gốm Bát Tràng do bốn dòng họ Bùi, Phùng, Trần, Vũ ở làng Bồ Bát (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) di cư tới đây và truyền bá nghề vào khoảng thế kỷ XIII, XIV. Nhưng căn cứ vào những cổ vật mới phát hiện ở Kim Lan thì có thể nghĩ rằng nơi đây nghề gốm có trước Bát Tràng.

Nguyên là từ hàng chục năm nay, bờ sông Hồng ở Kim Lan mỗi mùa nước lên là y như bị lở. Khi nước rút, lộ ra một tầng đất sét (thấp từ 4m đến 8m so với mặt đất). Ở đó có những đồ gốm, sành, sứ, mảnh vỡ cũng như chính phẩm, những viên ngói, viên gạch hình dạng khá cổ.v.v…Mỗi khi nước rút có người còn nhặt được cả những hũ sành đựng tiền cổ. Tới giữa nam 2000, các di vật thu lượm được khá nhiều, các vị phụ lão trong làng mới lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá.

Cho tới nay, được biết suốt một dải bờ sông từ khu Hàm Rồng (giữa làng) đến khu Cạnh Triền(cuối làng) đã thu lượm được hàng trăm di vật thuộc nhiều loại.

Tiền cổ: Có ba hũ sành có tai trong đựng đầy tiền. Cân lên có tới 17-18kg tiền đồng. Đại bộ phận là tiền Khai Nguyên tức tiền đúc từ đời Đường Minh Hoàng (712-741). Thứ đến là tiền Thái Bình đời Đinh Tiên Hoàng (968-979) và tiền Thiên Phúc đời Lê Đại Hành (980-1005). Có thêm một ít tiền đồng Ngũ Thù đúc đời Đông Hán (đầu Công Nguyên).

Gạch cổ: Có những viên có chữ nổi "Giang Tây quân" rất giống các loại gạch "Giang Tây quân" từ lâu đào được ở Hoa Lư và gần đây trong thành cổ Hà Nội tức gạch của thế kỷ IX, X. Có loại gạch trơn không có hoa văn, số đo thường là 39cm x 15cm x 12cm (có thể đây là gạch vồ dùng để xây tường thành, cung điện), có gạch trang trí hoa lá cách điệu với kích cỡ là 30cm x 30cm x 7cm (có lẽ đây là gạch lát hoặc gạch ốp), có gạch có mộng vát ở đầu, mặt dưới có rãnh sâu và lỗ chốt với kích cỡ 30cm x 15cm x 8cm (có thể là gạch xây tường mà không cần vữa).

Ngói cổ: Có loại ngói mũi hài và ngói đầu tròn, cỡ lớn: 30cm x 1,5cm. Các loại ngói và gạch nói trên không hề thấy có mặt trong các đình chùa, nhà ở của làng xóm. Hẳn là gạch ngói cung cấp cho một đô thị lớn thời xa xưa.

Lò nung và hàng gốm sứ: Mới đây ở tầng đất lộ ra sau cơn lũ có di tích một lò nung gốm còn cả rãnh lò, tro và than; các cọc "bao nung" được xếp ngay ngắn theo hình tròn; có các "cặp dính", "cọc bát giót" tức hai cái bát hoặc một chồng bát dính nhau; có những bát dĩa sống (nung chưa chín men), bát dĩa "ngây" (đã chảy men nhưng chưa có độ bóng), tức là những phế phẩm từ một (hoặc nhiều) lò sản xuất tại chỗ. Tất nhiên, cũng có những chính phẩm như lọ, liễn, bát đĩa, men đẹp: men ngọc, men nâu, men rạn.v.v…

Như vậy, có thể Kim Lan vào thế kỷ IX, X là một làng sản xuất vật liệu xây dựng cung ứng cho việc xây dựng thành Đại La rồi thành Thăng Long đồng thời sản xuất và buôn bán nhiều loại hàng gốm sứ dân dụng.

Có điều là ngành khảo cổ học chưa có ý kiến nên nghề gồm Kim Lan có trước Bát Tràng hay cùng thời với Bát Tràng, hoặc Bát Tràng- Kim Lan xưa chỉ cùng một tụ điểm cư dân, sau mới tách làm hai, những vấn đề đó hiện nay còn chưa có kết luận.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t