Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ: Nơi bồi đắp truyền thống cách mạng (14:42 31/07/2015)


HNP - Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàng Mai đầu tư, tu bổ, tôn tạo năm 2008. Đến nay, công trình đã trở thành địa chỉ quen thuộc diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa, lịch sử, cách mạng của nhân dân địa phương, qua đó góp phần giáo dục, lan tỏa tinh thần kiên trung, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ - một trong những thế hệ cán bộ lớp đầu của Đảng.  

Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ


Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909, tại thôn Phạn Lạc, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Ngay từ nhỏ, đồng chí Hoàng Văn Thụ là người thông minh, hiếu học, ham hiểu biết, sống chân thành và dũng cảm. Thuở nhỏ theo học tại trường tiểu học Việt Pháp ở Lạng Sơn, sau phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (năm 1925) và để tang Phan Chu Trinh (năm 1926), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tham gia thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Năm 1928, đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1929, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ Nhất của Đảng (năm 1935), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tích cực tổ chức phát triển Đảng ở Cao Bằng, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ làm nòng cốt cho cách mạng, tổ chức kết nạp Đảng và phát triển đảng viên ở các địa phương. Năm 1938, đồng chí được Trung ương cử vào Ban lãnh đạo Xứ ủy Bắc kỳ, năm 1939 đồng chí là Bí thư Xứ ủy, đồng chí đã chỉ đạo củng cố Thành ủy Hà Nội trong thời kỳ bị địch khủng bố gắt gao (năm 1939-1940). Từ Hội nghị Trung ương VII (tháng 11/1940), đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, tại Hội nghị Trung ương VIII (tháng 5/1941), đồng chí được giao làm công tác mặt trận và binh vận, được cử vào Tổng bộ Việt Minh, phụ trách công tác mặt trận và binh vận của Đảng. Đồng chí là một trong những người sáng lập báo “Cờ Giải phóng”.

Ngày 25/8/1943, trên đường đi dự cuộc họp tại Hà Nội, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại khu Tám Mái (Hà Nội) và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Trong thời gian bị địch bắt giam, phải hứng chịu nhiều thủ đoạn thâm độc, đồng chí đã nêu cao khí tiết bất khuất của người chiến sỹ cộng sản, khiến cho đồng đội, đồng chí khâm phục, quý mến và kẻ thù khiếp sợ. Trong phiên tòa đại hình do bọn thực dân mở, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn giữ vững khí tiết người cách mạng, kiên cường và luôn vững tin ở ngày đại thắng. Đồng chí đã chỉ thẳng vào mặt kẻ thù bằng những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi - những người mất nước và các ông - những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai.

Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh, nhân dân làng Tương Mai đã bí mật tổ chức an táng đồng chí, bảo vệ giữ gìn hài cốt đồng chí ngay tại cánh đồng Tương Mai. Hòa bình lập lại năm 1954, Nhà nước xây lại mộ đồng chí. Năm 1958, hài cốt đồng chí Hoàng Văn Thụ được chuyển về nghĩa trang Mai Dịch. Với mục đích tôn vinh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ luôn ghi nhớ mãi công lao của một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, năm 2008, UBND quận Hoàng Mai đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo xây dựng nhà bia tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Khu tưởng niệm có tổng diện tích 2.430m2, bao gồm các hạng mục: vườn hoa, cây xanh, đèn chiếu sáng, tiểu cảnh, sân nội bộ… Chính diện là tượng đồng chí Hoàng Văn Thụ tạc bằng đá quý khai thác từ Thanh Hóa, có chiều cao 8,55m, nặng hơn 80 tấn, tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Sau 6 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và được Thành phố Hà Nội gắn biến Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người con ưu tú đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi của đồng chí đã nêu tấm gương sáng ngời về biểu tượng người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, anh dung, vẻ vang. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao tấm gương về sự tận tụy, lòng trung thành với cách mạng và ý chí đấu tranh kiên cường. Với tác phong chân thành, giản dị, đồng chí luôn được quần chúng nhân dân tin yêu, thường xuyên giúp đỡ, che chở. Trong công tác, các đồng sự đã học tập được ở đồng chí Hoàng Văn Thụ cách làm việc thận trọng, chu đáo, nghiêm túc và sâu sát. Đồng chí Hoàng Văn Thụ còn đồng thời là nhà thơ, nhà báo cách mạng, đồng chí đã sáng tác nhiều bài thơ để tuyên truyền, vận động quần chúng, trong đó đáng chú ý là bài “Nhắn bạn”:

 

Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Hỡi bạn xa gần hăng chiến đấu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành

 

Đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ là di tích cách mạng kháng chiến quan trọng, tiêu biểu của quận Hoàng Mai nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Di tích còn là nơi giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của nhân dân địa phương – nơi lưu danh, tưởng nhớ một anh hùng liệt sỹ đã hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời nêu cao phẩm chất người cộng sản với tâm hồn trong sáng, tình cảm cao cả, thiết tha, nhất mực yêu thương đồng chí, thủy chung với quê hương đất nước và hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.
 


Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t