Chùa Liên Phái - Công trình kiến trúc nghệ thuật (23:30 29/06/2018)


HNP - Chùa Liên Phái là một ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Khi mới xây chùa có tên là Liên Hoa, đến đời Tự Đức mới đổi là Liên Phái, tọa lạc trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trụ trì chùa Liên Phái là Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chính điện chùa Liên Phái


Lịch sử chùa Liên Phái
 
Sự tích về sư tổ ngôi tháp Cửu Sinh được kể lại rằng: Trịnh Thập sinh năm 1696, là con trai Tấn Quang Vương Trịnh Bính. Trịnh Thập lấy con gái thứ tư vua Lê Hy Tông (1676-1705) được lập phủ riêng ở phường Hồng Mai (sau đổi tên là Bạch Mai). Một lần, Trịnh Thập cho đào đất ở gò cao sau nhà để xây bể cạn thì thấy trong lòng đất có một cái ngó sen (không thấy nói là bằng chất liệu gì). Trịnh Thập cho đó là dấu hiệu của Phật và tin rằng mình có duyên với đạo Phật. Ông bèn biến phủ đệ của mình thành chùa gọi là chùa Liên Tông, gọt tóc đi tu đồng thời trở thành vị tổ thứ nhất của chùa này. Trịnh Thập mất năm 37 tuổi (1733) hài cốt được táng trong ngôi tháp xây ở giữa gò, nơi dạo trước đã đào được ngó sen.
 
Còn theo văn bia ở chùa Liên Phái, chùa được xây dựng thời vua Lê Dụ Tông (1705-1729) có tên là Liên Hoa, đến năm 1733, đổi tên là Liên Tông. Năm 1841, vì phải kiêng tên Nguyễn Phúc Miên Tông của vua Thiệu Trị nên chùa mang tên Liên Phái. Ngôi chùa này chính là chốn tổ của phái Liên Tông (dòng hoa sen) - một trong những phái thiền của Phật giáo nước ta - xuất hiện cuối thời Hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII).
 
Qua các thời kỳ lịch sử, chùa đã được tu bổ nhiều lần, vào khoảng năm 1722, đến năm Bảo Thái 7 (1726) được mở rộng và tu bổ khang trang đẹp đẽ rất nhiều. Đợt tu bổ lớn nhất là vào năm Ất Mão 1855, đã tu bổ lại nhà tổ, nhà tầng, hành lang phải và trái, tô tượng Phật... hết một nghìn quan tiền công đức. Công việc này làm trong sáu năm trời mới hoàn thành. Đến năm Kỷ Tị 1869 lại làm thêm gác chuông, xây dựng tường bao quanh với quy mô rộng lớn. Quy mô hiện nay của chùa hầu như không thay đổi gì mấy kể từ lần tu bổ này.
 
Kiến trúc nghệ thuật
 
Công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Liên Phái là tháp Diệu Quang nằm phía trước chùa. Tháp có hình lục lăng cao 10 tầng, quy mô tương đối lớn, đường nét chạm trổ khá mạnh mẽ được coi là kiến trúc quý hiếm vào bậc nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội.
 
Tháp Diệu Quang - Công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Liên Phái
 
Phía sau tháp Diệu Quang là nhà bia. Trong nhà bia có tấm bia ghi lại lịch sử hình thành, các lần tu bổ và tên những người đóng góp công đức tu bổ và xây dựng chùa. Từ nhà bia đi qua một khoảng sân rộng là khu chùa chính. Chùa chính có hình chữ “đinh”, phía trước có một nếp nhà ngang nằm song song, nối với tiền đường bằng hệ thống vì kèo “Vỏ cua”. Loại kết cấu này thường thấy trong kiến trúc truyền thống ở các tỉnh phương Nam và một số kiến trúc muộn ở Bắc Bộ.
 
Tiền đường gồm 5 gian, gian giữa đặt 3 bàn thờ, phía trên có đại tự Liên Phái tự. Tam bảo hình chuôi vồ, nhà ngang 5 gian, được dựng trên bộ khung bằng gỗ với sáu vì kèo đỡ mái, được làm theo kiểu “chồng rường” và kiểu “quá giang cột trốn”. Trên các kiến trúc gỗ, ở đầu các thanh rường, quá giang có các hoa văn thực vật được chạm nổi, tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát nơi cửa thiền. Thượng điện 3 gian nối với gian giữa tiền đường bằng một nếp nhà dọc ba gian. Các bộ vì kèo ở đây có kết cấu tương tự như ở tiền đường, các cột cái được kê trên chân tảng đá xanh hình trụ tròn. Trang trí trên các kiến trúc chủ yếu là các đề tài tứ linh và tứ quý. Nét nổi bật trong tòa Tam bảo là những cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Những nghệ nhân ngày xưa đã chạm trổ các cửa võng rất công phu, tỉ mỉ bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng với các đề tài tứ linh, đan xen hoa lá mang tính nghệ thuật cao.
 
Ban Tam bảo
 
Chùa Liên Phái vẫn còn giữ được nhiều hiện vật như hoành phi, câu đối, tự khí… Tượng gồm 2 loại tượng gỗ và tượng đất. Toà tam bảo có 3 pho Tam Thế, 3 pho A Di Đà, 3 pho Thích Ca Thế Tôn, một pho Thích Ca Cửu Long, 3 pho Thánh Hiền, 3 pho Đức Ông, 2 pho Khuyến Thiện, Trừng Ác, 2 pho quan hầu. Trong nhà Tổ có 9 pho tượng Tổ. Những tượng ở chùa Liên Phái đều thuộc loại tượng lớn như ở tam bảo, tượng cao 1,25m, ngồi trên đài sen cao 0,28m, bệ 6 bậc cao 0,85m. Pho A Di Đà cao 1,25m, tượng Quan Âm Thế Tôn cao 1,75m, tượng Thích Ca Thế Tôn cao 1,80m. Đồ gỗ có 13 đôi câu đối, 8 hoành phi, hương án, tranh, thơ... Bia đá có 19 tấm, đa số là bia hậu, đồ gốm sứ phần nhiều là bát nhang, lộc bình. Cổ vật đáng chú ý là một quả chuông có chữ "Liên Tông tục diện" (nghĩa là Liên Tông kế tục sáng ngời) thời Lê Trung Hưng.
 
Từ tòa Tam bảo đi qua một sân nhỏ là đến nhà Tổ 11 gian. Sau chùa là khu vườn tháp được xây dựng trên một gò đất cao, có 9 ngôi tháp xây thành ba hàng. Trong đó, ngôi tháp Cửu Sinh có niên đại hơn 250 tuổi được xây bằng đá xanh cao 5 tầng, hình tứ giác. Phía trên cùng của tháp có bầu nước cam lộ, dưới có diềm cánh sen nhọn. Viền chân tháp là hình hoa sen, chạm nổi, cánh hoa to, nhọn, thân cánh sen hai lớp, giữa có hoa văn xoắn hình đao lửa, đó là đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê ở nước ta. Trong lòng tháp có bài vị của Tổ Cửu Sinh, trên trần viền khối hình bát quái, bao quanh vòng tròn âm dương. Ở chân tháp tầng một có hình lân chầu, hoa sen nở xen kẽ lá lật ở ô phía trước. Hai bên tháp cũng chạm lân chầu và xen kẽ lá lật rất mềm mại.
 
Khu vườn tháp - nổ bật là ngôi tháp Cửu Sinh có niên đại hơn 250 tuổi
 
Trong chùa Liên Phái, ngoài hệ thống tượng Phật còn có tượng Nguyễn Đăng Giai (Thượng Giai), một danh thần triều Nguyễn quê ở làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đưa từ chùa Liên Trì về. Bên cạnh chùa có điện thờ Mẫu.
 
Chùa Liên Phái là một di tích lịch sử - văn hóa, nghệ thuật lớn có giá trị nhiều mặt về kiến trúc, điêu khắc về lịch sử Phật giáo. Vì thế chùa đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên, từ năm 1962 và đang được bảo tồn cấp Nhà nước.

Hà Phương


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t