Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa (14:22 13/05/2015)


HNP - Thăng Long - Hà Nội đang sống trong bước ngoặt lịch sử giữa ngàn năm cũ đã qua và ngàn năm mới đang tới. Bước ngoặt lịch sử giữa hai thiên niên kỷ của toàn thể nhân loại cũng là bước ngoặt lịch sử của nhân dân ta trong những năm đổi mới này. Cuộc sống mới không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà còn trên toàn bộ đời sống dân tộc.

Một góc Hà Nội xưa


1. Thăng Long - Hà Nội đang sống trong bước ngoặt lịch sử giữa ngàn năm cũ đã qua và ngàn năm mới đang tới.

 

Ngàn năm đã qua còn ghi lại biết bao nhiêu công sức của ông cha. Bao mồ hôi, xương máu đã đổ xuống nơi đây để có những di sản vô giá mà hôm nay chúng ta thừa hưởng.

 

Một ngàn năm đang tới với những hình ảnh rực rỡ nhất về đất nước và con người của ngày mai, nhưng cũng đồng thời nêu lên những gian nan thử thách mà chúng ta hôm nay và con cháu sau này sẽ phải khắc phục.

 

Bước ngoặt lịch sử giữa hai thiên niên kỷ của toàn thể nhân loại cũng là bước ngoặt lịch sử của nhân dân ta trong những năm đổi mới này. Cuộc sống mới không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà còn trên toàn bộ đời sống dân tộc.

 

Bước ngoặt lịch sử đang đặt trước dân tộc ta bốn cửa ải cần vượt qua để tiến về phía trước: công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa... Đó cũng là những thử thách lớn đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể nhân dân ta. Với truyền thống dũng cảm và sáng suốt, nhân dân ta sẽ khai thác mọi tiềm năng của dân tộc, mọi thành tựu của thời đại và còn quan trọng hơn nữa là phát huy một sức mạnh vô giá mà ông cha để lại trong di sản văn hóa trên đất nước ta và trên mảnh đất linh thiêng này của Thăng Long - Hà Nội.

 

Di sản văn hóa - vốn quý này của dân tộc còn chứa đựng những tiềm năng to lớn về sức mạnh của tâm hồn và khí phách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh này có thể được phát huy đến chừng nào? Điều này còn phụ thuộc cách ứng xử văn minh của dân tộc ta trong việc kế thừa và gìn giữ, gạt đi những cặn bã, đồng thời bổ sung những giá trị mà đất nước đang yêu cầu.

 

2. Công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một quá trình mang ý nghĩa cách mạng, bước chuyển biến từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp, từ đời sống cổ truyền sang đời sống hiện đại. Sự chuyển biến này không chỉ diễn ra trong hoạt động kinh tế mà còn trên mọi lĩnh vực của đời sống.

 

Xã hội nông nghiệp kéo dài hàng ngàn năm lịch sử trong một phương thức sản xuất có một cấu trúc chặt chẽ, mang tính chất Á châu. Sản xuất nông nghiệp trong khuôn khổ này vừa đem đến sự ổn định cho xã hội, vừa là nguyên nhân của sự trì trệ của nó.

 

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa - mục tiêu phấn đấu của toàn dân

 

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa với những thành tựu của khoa học kỹ thuật sẽ xóa bỏ dần nền sản xuất lạc hậu với những hậu quả xã hội của nó, sẽ giảm bớt sự nhọc nhằn của lao động cơ bắp để thực hiện trên nước ta một nền sản xuất tiên tiến, có năng suất cao, tạo điều kiện cho sự phát triển về mọi mặt. Nó sẽ xóa đi những di sản lạc hậu trong sản xuất, phân phối và sinh hoạt từ thời cổ xưa, đem lại dần một lối sống tiên tiến, nhân văn, hiện đại.

 

Nhân loại đã từng chứng kiến những thành tựu và cả những sai lầm trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa từ mấy trăm năm nay trong các xã hội phương Tây. Trên lĩnh vực kế thừa những di sản văn hóa của dân tộc, chúng ta chống chủ nghĩa bảo thủ, khư khư giữ lấy mọi di sản văn hóa trong đó, có rất nhiều thứ đã lỗi thời. Chúng ta cũng không sa vào chủ nghĩa hư vô, xóa sạch mọi tàn dư của quá khứ.

 

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một thử thách lớn đối với dân tộc ta. Nó có sứ mệnh chuyển đổi đất nước ta từ truyền thống sang hiện đại. Nói một cách khác, công nghiệp hóa về thực chất là hiện đại hóa. Tuy nhiên, nó không thể vì hiện đại hóa mà xóa bỏ truyền thống.

 

3. Trên đất nước ta ngày nay, tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một quá trình giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa nhân tố truyền thống và nhân tố hiện đại. Hiện đại hóa chỉ có thể thực hiện trên cơ sở gắn liền với truyền thống và phát triển trên cơ sở của truyền thống. Không thể có cái hiện đại nào có thể tách rời thực tế của dân tộc và cắt đứt với truyền thống mà tồn tại được. Ngược lại, truyền thống chỉ tồn tại và phát triển khi nó phục vụ cho hiện đại hóa và bản thân nó cũng phải mang tính hiện đại. Nói cách khác, truyền thống phải trở thành hiện đại.

 

Thăng Long - Hà Nội trải qua một nghìn năm tồn tại và phát triển đã để lại cho dân tộc ta và thủ đô ta những di sản văn hóa vô cùng quý giá. Ở đây có vấn đề bảo tồn di sản văn hóa và khai thác di sản ấy. Đã có một thời kỳ mà nhân dân ta chưa thấy hết ý nghĩa quan trọng của những di sản văn hóa này. Có rất nhiều đền, miếu, nhà thờ, công trình kiến trúc bị coi thường, phó mặc cho sự huỷ diệt của thời gian cũng như sự phá phách của những người thiếu văn hóa.

 

Đảng ta đã kịp thời chấn chỉnh những hiện tượng này. Tại Thủ đô, trong vòng mấy thập kỷ gần đây, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã luôn luôn quan tâm hướng dẫn các cấp quận, phường trách nhiệm giữ gìn và tôn tạo những di sản ấy, cả di sản vật thể và phi vật thể. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp đã bị coi thường hoặc xóa bỏ, nay được khôi phục lại.

 

Khôi phục, giữ gìn và bảo quản những di sản văn hóa là một nhiệm vụ cần thiết nhưng khai thác những di sản đó lại là một vấn đề khác. Nhân dân ta coi những di sản ấy là những của quý, vô giá mà ông cha để lại. Có thể tìm trong đó trí tuệ và tài năng, tâm hồn và khí phách của ông cha từ những đền đài, lăng miếu, những công cụ sản xuất, sản phẩm lao động, những tác phẩm khoa học, văn học nghệ thuật. Có thể tìm ở đó cả cuộc sống của ông cha qua trường kỳ lịch sử, có thể lắng nghe ở đây tiếng nói của ông cha, những bài học ứng xử, trong mọi hoàn cảnh đầy gian nan thử thách. Chúng ta có thể khai thác từ trong đó một sức mạnh tinh thần vô tận trong sự nghiệp hôm nay.

 

4. Công nghiệp hóa và hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa. Đô thị hóa là một sự chuyển biến từ cuộc sống nông thôn sang cuộc sống đô thị. Trong xã hội nông nghiệp từ thời xưa, lối sống nông thôn và lối sống đô thị không khác nhau là bao nhiêu. Từ ngày thực dân xâm chiếm nước ta, thủ đô Thăng Long - Hà Nội, cũng như nhiều thành phố lớn như Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng đã bước đầu biến đổi thích hợp với nhu cầu phát triển về công nghiệp và thương nghiệp của chủ nghĩa thực dân. Nhà cửa, phương tiện đi lại được xây dựng đã khiến cho cuộc sống ngày một khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, kinh tế thị trường được phát triển, lại càng nhanh chóng thay đổi bộ mặt của thành phố.

 

Hà Nội nay (Ảnh: Phương Anh)

 

Trong thập kỷ qua, bao nhiêu ngôi nhà nhiều tầng được xây dựng đầy rẫy trong nội thành và ngoại thành. Bao nhiêu người đã từ nông thôn ra làm ăn ở thành phố, tiếp lối sống của thành phố. Ngược lại, sinh hoạt của thành phố cũng dần dần lan tỏa ra nông thôn. Đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở cả thành phố và ở cả nông thôn.

 

Ảnh hưởng qua lại giữa nông thôn và thành thị đã góp phần xóa bỏ nhiều phong tục tập quán đã lỗi thời của nông thôn, nhưng lại làm nảy sinh và phát triển những nhược điểm của văn hóa đô thị. Người nông dân vào thành phố tiếp thu những cung cách sinh hoạt của thành phố trong nhà ở, trong quần áo, trong ăn uống. Lối sống ở nông thôn với truyền thống gắn bó giữa người và người, trong nhà, trong họ, trong thôn xóm và làng xã đã từng có xu hướng mất dần đi trong hoàn cảnh sinh hoạt ở thành phố, là nơi thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa người với người. Trước sự tẻ nhạt dần trong quan hệ giữa người và người ở thành phố, mọi người cảm thấy nhu cầu củng cố lại những quan hệ cần thiết giữa người và người, những tập quán tốt đẹp trong phạm vi gia đình, trong sinh hoạt xã hội như ngày giỗ, ngày Tết.

 

Sự quan tâm tới tổ tiên, ông bà, nhu cầu gắn bó giữa những người cùng dòng họ, cùng quê hương đã làm sống lại những phong tục cưới xin, ma chay, giỗ Tết, sửa sang lại nhà thờ, mồ mả, khôi phục lại lòng biết ơn đối với tổ tiên, củng cố thêm sự gắn bó giữa người và người. Tuy nhiên, phục hồi những truyền thống văn hóa cũ là một điều rất cần thiết, nhưng có lúc đã không tránh khỏi khôi phục những hủ tục cần được xóa bỏ. Những sai lầm này cần gấp rút phê phán trên quan điểm khoa học về việc kế thừa và phát huy di sản văn hóa.

 

Khôi phục, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa càng là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Toàn cầu hóa đang là một xu thế tất yếu của lịch sử. Nó đã tạo ra sự giao lưu và hòa nhập giữa các dân tộc trên mọi mặt kinh tế, chính trị và văn hóa.

 

Sự hòa nhập này vừa là một thuận lợi để nhân dân ta tiếp thu được những nhân tố tích cực và tiến bộ từ những thành tựu mới của nhân loại, đồng thời cũng tạo ra nguy cơ là bỏ mất những điều tốt đẹp trong di sản văn hóa dân tộc và tiếp thu những nhân tố độc hại, phá vỡ bản sắc dân tộc của chúng ta.

 

Chính vì những lẽ trên mà thái độ khoa học, tiên tiến và sáng suốt đối với di sản văn hóa dân tộc đang là một yêu cầu cấp thiết của toàn thể nhân dân ta ở cả nước và ở thủ đô Hà Nội.


Theo thanglong.chinhphu.vn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t