Hoàn thành tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 (15:40 19/11/2017)


HNP - Sáng 19/11, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tổ chức Hội nghị lần thứ 11 để quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2017, kế hoạch  phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2018 và chủ đề công tác năm 2018 của Thành phố; báo cáo về kế hoạch tài chính – ngân sách Thành phố 3 năm 2018-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung điều hành phần thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017


Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
 
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 của Thành phố đều hoàn thành. Trong đó, kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,5% (tương ứng 7,73% theo cách tính mới). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 207.628 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,8% so thực hiện năm 2016. Trong đó, thu nội địa 187.640 tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 16,2%. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 77.262 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 23,83 triệu lượt người, tăng 9%; trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%.
 
Môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Chỉ số PCI của Thành phố trong năm qua tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2017, Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP (08 dự án đã hoàn thành với vốn đầu tư 13.683 tỷ đồng; 12 dự án đang thực hiện với vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng). Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã cấp đăng ký cho 25.160 doanh nghiệp, tăng 11%, với tổng số vốn đăng ký 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là 231,92 nghìn doanh nghiệp.
 
Cải cách hành chính tiếp tục được Thành phố chú trọng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ. Thành phố đã đưa vào vận hành 456 dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến cuối năm đạt 55%. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT đứng thứ 2/63 tỉnh, thành. Đến nay, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%. 
 
Trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn được quan tâm toàn diện. Thành phố đã rà soát, kiểm tra số lượng các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng, quyết liệt xử lý vi phạm các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" tồn từ trước 2016. Thực hiện Chương trình “Một triệu cây xanh”, lũy kế đến nay Thành phố đã trồng được 462 nghìn cây, đạt 46,2% mục tiêu. Thành phố cũng triển khai thí điểm dịch vụ Iparking trên 02 tuyến phố, đồng thời khảo sát toàn bộ các điểm đỗ xe, tuyến đường để xem xét nhân rộng. 
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Thành phố ưu tiên, tập trung nguồn lực. Trong năm nay, Thành phố có thêm 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 4 huyện nông thôn mới. Bên cạnh đó, có thêm 30 xã đạt chuẩn (kế hoạch là 22 xã), nâng tổng số lên 285 xã NTM (đạt tỷ lệ 73,8%).
 
Năm 2018, Thành phố đặt mục tiêu tổng quát: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường…
 
Đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của Thành phố trong năm 2018, các đại biểu kiến nghị Thành phố tiếp tục quan tâm, xử lý dứt điểm các vấn đề về rác thải, nước thải; tập trung hạ ngầm gắn với chỉnh trang các tuyến phố. Tiếp tục duy trì giao ban thường xuyên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với đó là tạo quỹ đất sạch, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn. Các đại biểu cũng đề nghị Thành phố trong năm 2018 tiếp tục quan tâm vấn đề cải tạo chung cư cũ, gắn với có giải pháp quản lý các khu chung cư hiệu quả để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Thành phố cũng ưu tiên nguồn lực cho việc xây dựng các trường học, nhất là ở những khu vực hiện đang quá tải; tiếp tục chỉ đạo công tác cấp nước sạch cho nhân dân khu vực nông thôn, đặc biệt cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích cán bộ tự nguyện tinh giản biên chế, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
 
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, tập thể UBND TP vừa thông qua dự án xây dựng Nhà máy đốt phát điện tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) với công suất 4 nghìn tấn/ngày. Cùng với đó, Thành phố đang tiếp tục kêu gọi đầu tư tiếp 4 nhà máy tương tự tại Nam Sơn, Thịnh Liệt, Chương Mỹ và Xuân Sơn, phấn đấu hết năm 2020 thì hoàn thành được 2/4 nhà máy trên.
 
Liên quan tới xử lý nước thải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, gói thầu xử lý nước thải Yên Xá đã khởi động, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý IV-2019. Sau khi đi vào sử dụng, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm, thu gom nước thải trên phạm vi các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. 
 
Về hạ ngầm đường dây, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay, Thành phố chuyển toàn bộ việc hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực cho 5 đơn vị: VNPT, Mobifone, Vinaphone, FPT và Viettel. Thành phố cũng đã đưa ra đơn giá định mức thuê hạ tầng ngầm để 27 đơn vị trên toàn Thành phố sử dụng chung hạ tầng của nhau. Năm nay, Thành phố phấn đấu hoàn thành hạ ngầm trên 71 tuyến phố và phấn đấu đến 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ việc hạ ngầm tại 12 quận.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, với 55 dự án trọng điểm của Thành phố, trong năm nay đã hoàn thành 7 dự án công trình và năm 2018 tiếp tục khánh thành 10 dự án. Các dự án trọng điểm đang được triển khai đúng kế hoạch, nguồn lực cho GPMB, tái định cư (khoảng 20 nghìn căn hộ) cơ bản được Thành phố đáp ứng. Tới đây, Thành phố sẽ tăng cường thực hiện cơ chế để người dân tự nguyện nhận tiền đền bù, hỗ trợ thay nhà tái định cư, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t